Việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong quá trình áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay.
Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ phê duyệt đề xuất xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
Luật XLVPHC được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013, thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008). Luật XLVPHC được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Luật XLVPHC đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các quy định cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, điều chỉnh hầu hết mối quan hành chính đã góp phần thúc đẩy phát triển kính tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, sau 5 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có sự sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với thực tiễn.
Điển hình như vào thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (đặc biệt là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo) quy định tại Luật XLVPHC hết sức khó khăn, do không thực hiện được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đặc biệt là đối tượng người nghiện ma túy). Quy định này không có tính khả thi, vì không có tổ chức xã hội nào đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật để có thể quản lý các đối tượng trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…
Việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo hướng: “Hình thành cơ chế pháp lý để Chính phủ thực hiện quyền yêu cầu xem xét, xử lý bằng thủ tục tư pháp đối với mọi vi phạm nghiêm trọng được phát hiện trong quá trình quản lý, tổ chức thi hành pháp luật”, “tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng của công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”.
Đồng thời phù hợp với đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là người chưa thành niên.
Bảo đảm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong thực tế.
Nhật Thy
.