(Congannghean.vn)-Văn hóa - nghệ thuật là một lĩnh vực nhạy cảm. Phàm đã là nhà văn - nghệ sĩ chân chính, cái tôi nghệ thuật và niềm khao khát hướng tới giá trị thẩm mỹ luôn bùng cháy, thôi thúc trong tim mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm phản ánh đời sống thực tiễn, có một bộ phận những kẻ lợi dụng đời sống văn hóa để thực hiện âm mưu đen tối, chống phá Đảng, Nhà nước.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật - Tranh minh họa |
Cùng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đảm bảo quyền tự do sáng tạo cho người nghệ sĩ. Điều đó được thể hiện thông qua các quyền “Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do lập Hội...”. Thực tế, Hiến pháp đã hiến định các quyền tự do này trên cơ sở quyền con người. Ngay từ Nghị quyết Trung ương khóa VI (1987) đã có luận điểm: “Tự do sáng tạo cho người nghệ sĩ”.
Nhìn lại đời sống văn hóa của người dân từ trước Cách mạng Tháng Tám cho đến nay, giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã chuyển từ một giai đoạn lịch sử này sang một giai đoạn lịch sử khác. Từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ ngòi bút, thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo. Từ cái nhìn thiếu tôn trọng của xã hội và người đời, xem là "thằng hề, con hát", "xướng ca vô loài”, hoặc là "dở ông, dở thằng", bị đè nén, khinh bỉ, họ đã vươn lên chiếm giữ vị thế được ghi nhận, đánh giá cao. Đường lối văn nghệ của Đảng càng ngày càng sáng rõ và được anh chị em văn nghệ sĩ náo nức đi theo. Những cuộc vận động sáng tác, những giải thưởng, cuộc thi, liên hoan nghệ thuật diễn ra ngày càng nhiều hơn, gắn với sự đầu tư của Nhà nước cùng hoạt động xã hội hóa.
Thế nhưng, bên cạnh dòng chảy cuồn cuộn của những tác phẩm nghệ thuật của những nhà văn chân chính, phản ánh chân thực, sinh động mong muốn, nhu cầu chính đáng của người dân, có những kẻ vẫn ngấm ngầm lợi dụng văn nghệ sĩ để đòi hỏi cái gọi là “tự do sáng tác”, phủ nhận lịch sử, truyền thống dân tộc, cổ súy cho các đối tượng phản động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Các đối tượng, thế lực thù địch muốn truyền bá lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy, khuếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin. Chúng móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội để tung ra những sản phẩm xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo, bôi đen chế độ. Từ đó, chúng truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên, dần dần từng bước tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Ý đồ lâu dài không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ.
Thật ra không khó để chúng ta có thể tìm thấy trong các trang thông tin trên các mạng xã hội cổ súy tư tưởng “tự do sáng tác” cho những kẻ lạc lõng về quan điểm, nhận thức văn học - nghệ thuật. Đó là những bài viết, bình luận, đánh giá “đậm màu chính trị phản động”. Chúng tung hô những đối tượng chống phá Nhà nước. Chúng bợ đỡ, “bảo vệ” các đối tượng chống đối bằng những ngôn từ mỹ miều “nhà đấu tranh chân chính, người vì một nền văn học tự do sáng tạo”, “bản tuyên ngôn vì sự tự do, nhân quyền”… nhằm cổ súy, lôi kéo những người “nhẹ dạ cả tin” đi theo.
Các đối tượng đã lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đối diện nguy cơ hiểm nghèo, người dân không có tự do, nhân quyền, đất nước không có dân chủ… Trong lúc đó, thực tế ngược lại: Đời sống người dân được cải thiện từng ngày, số hộ giàu có, khá giả tăng nhanh, thất nghiệp giảm, đời sống kinh tế - văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.
Vì vậy, những kẻ đang cố tình bảo vệ và lăng xê cho các đối tượng, tổ chức cực đoan chính là những kẻ đi ngược với xu hướng lịch sử thế giới. Chúng luôn tự xưng là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nhưng thực chất, sản phẩm mà chúng gọi là “sáng tạo” lại không mang hơi thở cuộc sống, không xuất phát từ thực tiễn khách quan. Và đằng sau đó, tất nhiên, chúng chỉ vì lợi ích cá nhân để được nhận tài trợ từ các tổ chức phản động lưu vong.
Bên cạnh đó, chúng sử dụng internet là công cụ để đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp, kích động văn nghệ sĩ đòi “tự do sáng tác”, “tự do công bố” các tác phẩm văn học, phản đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Lợi dụng sự cởi mở của Việt Nam trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng đã đưa lên các trang mạng xã hội nhiều bài viết với lời lẽ thâm độc, phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước trong giải quyết vấn đề tham nhũng. Chúng cho rằng vấn đề chống tham nhũng đang đi vào bế tắc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với chế độ; trong lúc thực tế hoàn toàn ngược lại.
Bọn chúng, những kẻ đi ngược dòng lịch sử, dường như quên một điều rằng: Văn học, nghệ thuật luôn xuất phát từ thực tiễn khách quan - thực tiễn là thước đo chất lượng của tác phẩm. Tác giả không thể thuyết phục người hưởng thụ bằng những tác phẩm xa rời thực tế, chỉ thể hiện mục đích vụ lợi cá nhân.
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng, trải qua bao thập kỷ, văn học nghệ thuật đã phát triển và không ngừng lớn mạnh, người nghệ sĩ cũng từng bước trưởng thành cùng dân tộc, cách mạng. Chính con đường cách mạng đã đem một sức sống mới, một nguồn tư tưởng và tình cảm mới đến cho văn nghệ. Như lời nhà văn Liên Xô Sô-lô-khốp đã nói, nhà văn chúng ta chỉ viết theo chỉ thị của trái tim, nhưng trái tim đó là của Tổ quốc, của nhân dân. Những kẻ cơ hội, những nhà văn - nghệ sĩ bị lợi dụng để các đối tượng thực hiện âm mưu, mục đích xấu xa sẽ chỉ nhận kết quả, bài học đắt giá “gieo gió gặt bão”. Bởi, sự lạc lõng, ngược dòng sẽ tự bị đào thải khỏi đời sống văn hóa - nghệ thuật chân chính.