Từ một nhóm “yêu xe” Wave Alpha trên mạng xã hội với gần 70 thành viên, chủ yếu là các em học sinh chưa đủ tuổi cấp Giấy phép lái xe, các “hội viên” đã rủ rê tụ tập đua xe trái phép, vi phạm trật tự công cộng và đều đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý.
Nhóm Wave Alpha Long Biên trên mạng xã hội xếp xe chụp ảnh để chuẩn bị đua xe trái phép |
Từ nhóm “yêu xe” đến… tổ chức đua xe
Nhận được thông tin CAQ Long Biên vừa bắt giữ nhóm thiếu niên tụ tập đua xe, chúng tôi có mặt tại một căn phòng nơi 20 thiếu niên đang ngồi chờ lực lượng công an xử lý về hành vi tụ tập gây mất trật tự công cộng. Những khuôn mặt non nớt, ánh mắt hiện lên vẻ lo sợ đủ nói lên một điều các em còn quá trẻ, mới va chạm với cuộc sống đời thường.
Nhìn bên trái, tôi bắt gặp ánh mắt len lén nhìn trộm của một cậu bé trai khoảng 15-16 tuổi, mặt hốc hác, hai hố mắt quầng thâm, có lẽ do đã trải qua vài đêm mải chơi game không ngủ. Bên phải, tôi chạm đôi mắt lơ láo của một em chắc đang học lớp 7 hoặc lớp 8, dáng người gầy gò chỉ khoảng 40kg.
Nhìn vậy, thế mà trước đó chỉ vài phút, khi xem những đoạn video clip ghi lại hình ảnh các em điều khiển xe máy rú ga, lạng lách, đánh võng, phóng với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm khiến người đi đường hoảng sợ, chúng tôi đã tin nhóm này phải là những thanh niên đã trưởng thành và là những “quái xế” manh động, liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm.
Tôi đặt vấn đề muốn trò chuyện với Đinh Huy Mạnh (17 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) - Trưởng nhóm “Câu lạc bộ Wave Alpha Long Biên” trên MXH thì Mạnh lúng túng: “Em thật sự không tính đến việc này và cứ nghĩ thích “chơi xe” thì lập nhóm để trao đổi đồ và “khoe ảnh dàn xe đẹp” đăng lên Facebook thôi.
Khi kết nối đông đủ, các bạn bỗng hò reo rồi hùa nhau phóng xe như điên. Chúng em cứ nghĩ việc làm của mình không vi phạm pháp luật và chỉ hiểu đơn giản là chạy xe nhanh một chút”. Đinh Huy Mạnh cho biết, ngày 21-11, Mạnh lập một nhóm kín trên Facebook có tên “Club Wave Alpha Long Biên” gồm gần 70 thành viên, là những người yêu thích và sử dụng xe máy Honda Wave Alpha sinh sống gần khu vực quận Long Biên.
Thành viên mới ra nhập nhóm sẽ được Mạnh gửi nội quy, yêu cầu đọc và phải đồng ý chấp hành các nội quy của nhóm. Đồng thời, Mạnh yêu cầu các thành viên trong nhóm dán cờ ở đuôi xe và nộp quỹ 100.000 đồng/người. Các thành viên của nhóm này ở độ tuổi từ 14-17, thậm chí có cả thành viên còn chưa đủ tuổi lái xe, đang là học sinh và có em đã bỏ học đi làm. Nhóm thường tụ tập vào 20h tối thứ bảy hàng tuần để “chơi xe”.
Trước khi họp nhóm, Mạnh thường nhắn tin trên MXH thông báo cho các “hội viên”. Tối 25-11, nhóm thanh niên “yêu xe” này đã họp ngoài đời thực, tổ chức điều khiển hơn 30 xe máy chạy với tốc độ cao, bốc đầu, lạng lách và bị lực lượng công an phục kích, chặn bắt… Trung tá Đào Hồng Dương, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, CAQ Long Biên cho biết: “Nhóm thiếu niên tham gia CLB Wave Alpha Long Biên có độ tuổi từ 14-17.
Các thành viên trong nhóm đủ các thành phần là học sinh, hoặc đã bỏ học đi lang thang. Hầu hết, các đối tượng đều không hiểu biết về pháp luật. Vì thích “chơi xe”, muốn trao đổi đồ nên mới tham gia nhóm. Khi nhóm họp cũng chỉ vì một số thành viên kích động nên mới tham gia đua xe. Hiện CAQ Long Biên đang xem xét việc khởi tố hình sự với một số đối tượng trong nhóm, vì đã từng bị xử lý phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng”.
Kết nhóm, tự chế vũ khí
Tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Báo ANTĐ được biết ngày 24-10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khám phá đường dây khoảng 30 đối tượng, có hành vi mua bán linh kiện, phụ kiện, sản xuất các loại súng thông qua MXH. Các đối tượng chính trong đường dây này gồm Nguyễn Thanh Hải (SN 1990), trú tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai và Nguyễn Văn Hưng (SN 1986), trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đáng chú ý, các đối tượng này đang bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ về tội tàng trữ, mua bán vũ khí trái phép.
Phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai, CQĐT Công an tỉnh Thái Bình đã đấu tranh, buộc Hải và Hưng khai nhận do thấy trên mạng internet hướng dẫn cách chế tạo súng, nên đã nảy sinh ý tưởng cung cấp phụ kiện cho khách có nhu cầu. Quá trình khám xét các đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ nhiều vũ khí quân dụng như súng colt, đạn bi bằng đồng, súng K59 và nhiều phụ kiện chế tạo súng bắn hơi…
Bóc gỡ 'nhóm kín' trên mạng xã hội chuyên sản xuất, mua bán súng tự chế |
Từ các đầu mối này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã triệu tập 28 đối tượng liên quan tới hành vi sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Các đối tượng trên đều khai nhận đã đặt mua linh kiện, phụ kiện trên mạng internet của Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Hưng, rồi lắp ráp, chế tạo súng hơi.
Nhóm này khai không quen biết nhau, song qua mạng xã hội đã kết nhóm, chia sẻ “kinh nghiệm” để tự chế ra các loại phụ kiện, vũ khí khác nhau. Nhiều tang vật bị thu giữ có khả năng tạo ra độ sát thương cao. Công an tỉnh Thái Bình đã thu giữ hơn 20 khẩu súng tự chế các loại, 20 nòng súng, 3 bầu nén khí và nhiều phụ kiện dùng để chế tạo vũ khí có tính năng sát thương và gây tử vong cao.
Hội, nhóm “ảo”, nguy cơ thật
Các hội nhóm trên MXH thường do một người hoặc một nhóm nhỏ người lập nên, để thu hút cộng đồng tham gia. Nhóm có thể hoạt động theo dạng “kín” hoặc “công khai” tùy thuộc vào mức độ lan tỏa và mục đích. Theo cách tìm kiếm thông thường, người dùng MXH có thể tìm thấy các hội, nhóm theo các từ khóa trên thanh công cụ. Chỉ một cú kích chuột, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các hội, nhóm mà người tìm kiếm cần sẽ hiện ra theo thứ tự gần và sát nhất với nhu cầu. Chính vì sự tiện lợi như vậy, mà không ít người dùng MXH hiện nay dễ dàng tham gia, theo dõi các nhóm “ảo”.
Mỗi nhóm, hội trên MXH thường có những quy định riêng đối với thành viên. Khi người dùng MXH muốn ra nhập hội nhóm, thường phải trả lời một số câu hỏi xác định nhu cầu và danh tính. Sau đó, sẽ được “admin” (tức người quản lý) đồng ý hoặc từ chối với yêu cầu tham gia nhóm.
Các hội nhóm trên MXH hiện nay thường thu hút người tham gia cùng một đam mê như thích hoa, thích “chơi xe”... Thông thường, các nhóm này sẽ tổ chức các buổi “offline” (tức là họp mặt ngoài đời thực) cho các thành viên. Chính từ những buổi offline này, các thú chơi cũng có cơ hội phô ra theo tâm lý đám đông. Vì vậy, mới diễn ra tình trạng các nhóm “yêu xe” trên mạng tổ chức offline rồi đua xe, hay đám đông tụ tập có mâu thuẫn cũng dễ gây nên tình trạng mất ANTT.
GS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho biết: “Các hội nhóm trên MXH là nơi các cá nhân cùng nhau chia sẻ một niềm đam mê. Không thể phủ nhận những tiện ích gắn kết bạn bè xuyên không gian của các nhóm này. Chúng ta có thể chia sẻ niềm đam mê với những người không quen biết, ở rất xa có cùng quan điểm. Thậm chí, trở nên thân thiết với những cái tên như “500 anh em” mà các thành viên trong hội, nhóm trên MXH thường sử dụng. Nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hội nhóm trên MXH dễ gây hiệu ứng đám đông. Khi tổ chức offline hoặc kêu gọi trên MXH, dễ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên. Nếu một nhóm tổ chức họp mặt thì không thể lường hết các nguy cơ. Nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật có cơ hội xảy ra”.
“Việc các nhóm hoạt động trên mạng xã hội rất khó để cơ quan chức năng quản lý, vì các nhóm này thường không có địa chỉ rõ ràng. Các nhóm này nếu hoạt động theo hướng tiêu cực, không đúng với quy định thì dễ gây ra tình trạng mất ANTT, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là đám đông cùng làm sai quy định của pháp luật. Trước tình trạng này, mỗi người sử dụng MXH cần cân nhắc kỹ khi tham gia các hội nhóm “ảo”, tránh các hội nhóm không tích cực, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật”.
Trung tá Đào Hồng Dương (Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, CAQ Long Biên, Hà Nội)
“Hội, nhóm trên MXH dễ gây hiệu ứng đám đông. Khi tổ chức offline hoặc kêu gọi trên MXH, dễ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên. Nếu một nhóm tổ chức họp mặt thì không thể lường hết các nguy cơ. Nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật có cơ hội xảy ra”.
GS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học)
.