Tội phạm mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Thiếu tá Phạm Hồng Quân-Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội từng có nhiều năm công tác tại Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 Công an TP Hà Nội).
Theo dấu đối tượng buôn người xuyên quốc gia
Tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về |
Thiếu tá Phạm Hồng Quân cho biết: Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em rất phức tạp, đặc thù xuyên quốc gia. Cùng với ma túy và vũ khí, nạn nhân mua bán người đã trở thành một loại hàng hóa đem lại lợi nhuận cao. Tội phạm mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Do chúng đã có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước... nên hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt. Tháng 3/2012, bắt đầu từ công tác rà soát địa bàn, thu thập tài liệu, thiếu tá Quân cùng các trinh sát phát hiện một đối tượng tên Vương có dấu hiệu bán người sang Trung Quốc.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh em trong tổ công tác xác định Vương đã từng lừa một phụ nữ quê ở Quốc Oai, Hà Nội bán sang Trung Quốc.
Trùng hợp khi thời điểm đó, người nhà của một nạn nhân đã gửi đơn đến Công an huyện Quốc Oai trình bày về việc con gái mình bị lừa bán sang Trung Quốc tên Đào Thị H. (SN 1994). May mắn vào thời điểm đó chị H. có liên lạc về nhà. Từ số điện thoại, các trinh sát đã giúp chị H. xác định được địa chỉ, giải cứu thành công nạn nhân về Việt Nam. Song song với đó, việc điều tra vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, mọi thông tin về đối tượng Vương đều rất mong manh. Nhân thân, đặc điểm nhận dạng đối tượng đều chưa xác định được ngoài một thông tin là Vương đã từng làm xây dựng ở Hà Đông. Từ thông tin này, ban chuyên án đã xác định được Vương là người tỉnh Phú Thọ đã có vợ và 1 con, nhưng đã bỏ vợ và đang sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác tên ở Bắc Ninh.
Thông qua những người dân trên địa bàn cung cấp được biết Vương đang ở đây. Thực tế trước đó Vương đã biết mình bị lực lượng Công an truy tìm nên y luôn cảnh giác, có “động” là tìm cách lẩn trốn, không bao giờ ở cố định một nơi.
Chính vì điều này, Ban chuyên án đã một lần bắt trượt đối tượng. Đến tháng 12/2012, khai thác nguồn tin, đột phá sâu ban chuyên án nắm được thông tin vợ mới của Vương đang sống tại khu vực Bến xe Bắc Kạn. 4h chiều các trinh sát đã có mặt, tiến hành rà soát khu vực bến xe, nhưng lại không có ai tên Vương và vợ có đặc điểm như thế.
Tưởng chừng thất vọng thì giây phút ấy lóe lên trong đầu Thiếu tá Quân rằng có thông tin trước đây trong khoảng thời gian đối tượng Vương rời khỏi Bắc Ninh có ở xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn làm gạch. Công an thị xã Bắc Kạn cho biết quanh thị xã chỉ có khu vực xã Huyền Tụng là có nhiều lò gạch.
Tiến hành tập trung rà soát khu vực này thì phát hiện có một đối tượng tên Vương mới lấy vợ, đang ở nhà vợ và làm gạch tại đây. Lúc đó đã tầm 6h tối, từ Ủy ban xã vào tới nhà Vương ở trong rừng khoảng 7, 8km.
Trong cả quả đồi của một xã mênh mông chỉ có mấy nóc nhà ở, Thiếu tá Quân cùng các trinh sát vào đến nơi vào khoảng 7h30 tối. Xác định đối tượng đang ngồi ăn cơm trong nhà, lực lượng phục bên ngoài đã nhanh chóng bắt gọn Vương. Ngay trong đêm, các anh đã dẫn giải Vương về Hà Nội.
Những cuộc giải cứu thót tim
Theo Thiếu tá Quân thì thường thông tin ban đầu về các cuộc giải cứu rất sơ sài, có khi chỉ bằng một cuộc điện thoại của nạn nhân gọi về từ bên kia biên giới trong một tâm trạng vô cùng hoang mang và sợ hãi khi họ không biết mình đang ở đâu, hoặc có khi nạn nhân chỉ cung cấp thông tin quen biết đối tượng qua mạng xã hội, không biết tên, tuổi và địa chỉ của đối tượng gây án...
Một ngày cuối tháng 3/2011, một phụ nữ đến gõ cửa Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em để trình báo về việc con gái mình là cháu V. (sinh năm 1997, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc.
Manh mối duy nhất là cháu V đã gọi điện được về nhà nhưng không xác định được chính xác mình đang ở đâu trên đất bạn. Cháu chỉ cung cấp cho gia đình những nick name được nhóm đối tượng sử dụng trên mạng.
“Thông qua nick name này, sau suốt một tháng trời ròng rã, anh em đã xác định được một đối tượng tình nghi có tên là Tý (tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi, sinh năm 1997, ở bãi rác Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Tý chính là người trực tiếp chat với cháu V. và lừa cháu để bán”, Đại úy Quân cho hay.
Ngày 21/4/2011, lực lượng cảnh sát đã bao vây nhà Phi, bắt được đối tượng chưa đầy 14 tuổi này. Đấu tranh với Phi và nắm rõ quy luật hoạt động của đường dây, ngay trong đêm này, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng “Hoàng,” tên thật là Vũ Văn Ca (sinh năm 1989, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai).
Đây chính là đối tượng đầu vụ đã cấu kết với Phi lên kế hoạch dụ dỗ, lừa bán cháu V. sang Trung Quốc. Thêm hai ngày đấu tranh và câu nhử với nhóm “đầu nậu” buôn người bên kia biên giới, tổ công tác Đội 12 đã phục kích, đón lõng hai nữ “tú bà” đang trở lại Việt Nam là Lê Thị Toan (sinh năm 1989, ở Thường Tín, Hà Nội) và Bùi Bích Tường (sinh năm 1972, ở Hạ Hòa, Phú Thọ).
Chuyên án chỉ kết thúc khi bằng nhiều kênh thông tin, Thiếu tá Quân và đồng đội đã hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở, đồng thời phối hợp với Interpol và Cảnh sát Trung Quốc tổ chức giải cứu nạn nhân thành công..
.