(Congannghean.vn)-Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh Nghệ An đã bắt 14 vụ khai thác cát trái phép chủ yếu trên sông Lam, xử phạt hành chính 25 triệu đồng, chuyển UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 11 trường hợp theo quy định của pháp luật. Các chủ tàu vi phạm bị phát hiện, bắt giữ chủ yếu ở các huyện Hưng Nguyên, Anh Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương, trong đó nhiều nhất là địa bàn huyện Hưng Nguyên.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 6 tàu vỏ sắt vi phạm |
Theo chân cán bộ chiến sỹ Đội 3, Phòng CSMT trên chiếc xuồng máy của đơn vị, chúng tôi có mặt tại hạ nguồn sông Lam, thuộc địa phận xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên để mục sở thị việc khai thác cát trái phép của người dân địa phương đang diễn ra nơi đây. Trước mặt chúng tôi là những chiếc tàu vỏ sắt chứa đầy cát đã bị bắt quả tang đêm 4/4/2017.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đội trưởng Đội 3 cho biết: "Hầu hết các chủ tàu khai thác cát trái phép chủ yếu là công dân trú tại xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, nhưng qua kiểm tra thủ tục thì tất cả chủ tàu không có giấy phép hoạt động".
Trưa 4/4, các cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với Phòng CSMT tiến hành xác định vị trí tọa độ khai thác cát, đồng thời làm rõ chủ mỏ để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Qua điều tra, xác minh, lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ 6 tàu vỏ sắt khi đang khai thác cát trái phép của HTX Vận tải Nghĩa Sơn Long, do ông Nguyễn Đình Trọng làm chủ nhiệm.
Ông Trọng cũng được mời đến để làm rõ những vấn đề liên quan hoạt động trái phép của các thành viên HTX. Đề cập đến việc để các thành viên khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Đình Trọng bao biện rằng, HTX Vận tải Nghĩa Sơn Long thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Hoàng Long, đã được UBND tỉnh cấp phép năm 2015. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Trọng cũng trình bày trước cơ quan chức năng về quyết định trên của UBND tỉnh.
“Để tiến hành điều tra làm rõ, chúng tôi chỉ đạo cán bộ làm việc với Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Hoàng Long thì đơn vị này cho biết không hề cấp phép khai thác cát cho bất cứ chủ tàu nào", Thượng tá Chu Minh Tiến, Phó trưởng Phòng CSMT cho biết.
Cũng qua xác định tọa độ cho thấy, địa điểm 6 tàu vỏ sắt khai thác cát trái phép giáp ranh với xã Hưng Long và xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. 6 chủ tàu vỏ sắt trên gồm Nguyễn Thị Trang (SN 1991), Trần Văn Hiếu (SN 1991), Nguyễn Thị Mai (SN 1978), Nguyễn Văn Đang (SN 1970), Ngô Văn Thiện (SN 1971), đều trú tại xóm 16, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên và Đoàn Thị Hà (SN 1976) trú tại xóm 9, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên.
Một số tàu cát vi phạm bị xử lý |
"Sau khi làm rõ hành vi vi phạm đối với chủ tàu, chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang UBND tỉnh để ra quyết định xử phạt hành chính. Vì theo quy định, nếu số tiền xử phạt vi phạm trên 50 triệu đồng và giá trị tang vật vi phạm có giá trị từ 200 - 300 triệu đồng thì lực lượng chức năng chuyển giao cho UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền", Trung tá Nguyễn Văn Tùng cho biết.
Ngày 12/4/2017, cũng tại hạ nguồn sông Lam, thuộc địa phận xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, lực lượng CSMT phát hiện và lập biên bản 1 thuyền vỏ sắt của ông Nguyễn Đình Ân trú tại khối 6, thị trấn Thanh Chương khi đang khai thác cát trái phép, chuyển UBND tỉnh để xử phạt theo quy định. Tiếp đó, trong ngày 13/4/2017, tại hạ nguồn sông Lam thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, Phòng CSMT bắt quả tang 2 tàu vỏ sắt của ông Lê Sỹ Đình ở thôn Cẩm Lợi, xã Cẩm Sơn và ông Võ Văn Sơn trú tại xóm 4, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn khi đang khai thác cát trái phép. Hiện, lực lượng chức năng đang thụ lý hồ sơ trình các cấp xử lý theo thẩm quyền.
"Việc khai thác cát trái phép trên hạ nguồn sông Lam trong thời gian qua tuy không lớn, ồ ạt như một số tỉnh khác, chủ yếu là mang tính cục bộ, nhưng để ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh gây sạt lở, nhất là các hộ dân sống 2 bên bờ sông Lam, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tiến hành tuần tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên", Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng CSMT cho biết.
Việc khai thác cát trái phép trên địa bàn Nghệ An, chủ yếu là vùng hạ nguồn sông Lam chưa phải là vấn đề "nóng" nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy, môi trường sinh thái, đồng thời là nguyên nhân gây ra sạt lở đất, nhất là trong mùa mưa bão. Điều đáng nói là công tác quản lý Nhà nước trong việc cấp phép của cơ quan chức năng còn có những hạn chế, nhất là công tác hậu kiểm dẫn đến tình trạng vi phạm trên. Một số chủ mỏ được cấp phép nhưng không cắm mốc hoa tiêu biển báo giới hạn khu vực được khai thác. Lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót trên, một số chủ tàu đã khai thác cát trái phép dẫn đến vi phạm phải xử lý. Hành vi vi phạm trên xét về khách quan một phần thuộc về chính quyền địa phương, nhất là công tác quản lý con người và phương tiện.