Pháp luật

Tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh

Nhức nhối nạn khai thác đất trái phép

09:12, 26/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những quả đồi bị mổ xẻ, san phẳng, những miệng hố sâu hàng chục mét do việc đào xới của máy múc đất đang là một thực trạng nhức nhối tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo phản ánh của người dân về nạn khai thác và vận chuyển đất trái phép tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, chúng tôi đã đi thực địa và được mục sở thị nạn “đất tặc” hoành hành. Chỉ trong vòng 30 phút quan sát, đã thấy hàng chục, thậm chí là hàng trăm lượt xe tải nối đuôi nhau đến các điểm khai thác đất trái phép trên địa bàn.

Một điểm khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Ngọc Sơn
Một điểm khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Ngọc Sơn

Đất là tài nguyên quốc gia nhưng dường như tại xã Ngọc Sơn thì nó chỉ đơn thuần là món hàng siêu lợi nhuận, bởi chỉ cần được cấp phép cải tạo, hạ độ cao để phục vụ nông thôn mới hay có chút “quan hệ” là “vô tư” làm... Trái ngược với chủ trương “phủ xanh đất trống, đồi trọc” của Nhà nước, xã Ngọc Sơn lại đang ngày càng hoang hoá dần đồi, núi. Đi vòng qua 6 thôn, chúng tôi ghi nhận có khoảng 50 địa điểm đã và đang khai thác đất. Hàng chục quả đồi được san phẳng như đồng bằng, chỉ còn trơ đá, thỉnh thoảng có những ụ đất nhỏ nhô lên cao cheo leo trụ lại để “gánh” cột điện.

Trò chuyện với ông Phạm Ngọc Hà, Trưởng thôn Trường Ngọc (thôn có 15 điểm khai thác đất), tỏ vẻ ủng hộ chính quyền địa phương, ông cho biết: “Chú thấy đấy, ngày xưa xung quanh đây toàn đồi núi, che khuất hết tầm nhìn. Từ ngày cho khai thác đất, địa hình trở nên bằng phẳng, đẹp hơn, xã lại có thêm nguồn thu, còn dân có tiền để xây dựng nhà cửa”.

Đồng quan điểm với ông Hà, ông Hồ Văn Định, Trưởng thôn Trung Tâm (một trong số những hộ có đất khai thác từ những năm 2000, nhưng đến nay vườn vẫn trống trơ mặt đá và những hố nước vô ích) cho hay: “Dẫu biết bán lớp đất mặt, chỉ còn mặt đá cằn cỗi thì không thể trồng cây, nhưng nhờ bán được đất mà tôi có tiền để xây nhà và xin việc cho con. Thôn tôi nhìn vậy nhưng còn bán ít, thôn Trường Ngọc họ bán nhiều lắm, nhà nào ít cũng được một vài trăm triệu tiền bán đất”.

Hiện trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, chính quyền nơi đây dường như ngó lơ. Với tốc độ như hiện tại, không biết sẽ còn bao nhiêu ngọn đồi tiếp tục bị tàn phá…

Xã Ngọc Sơn có diện tích 19,64 km2 đất tự nhiên. Trên địa bàn có 3 mỏ đất được cấp phép, trong đó mỏ của công ty Tuấn Dũng và công ty Bích Hóa đã hết phép.  Ngoài ra, trên địa bàn còn có một số điểm được chấp thuận chủ trương cải tạo xây dựng nông thôn mới, do công ty Hoàng Tuấn Khanh đứng ra khai thác.

Mặc dù 2 giấy phép khai thác mỏ đã hết hạn, có quyết định đóng cửa hơn 1 năm nay nhưng hoạt động khai thác tại mỏ đất Bích Hóa và mỏ đất Tuấn Dũng nằm cạnh Tỉnh lộ 15A vẫn ngang nhiên diễn ra.

Một quả đồi bị san phẳng để lại những hố sâu hoắm sau khi bị khai thác đất
Một quả đồi bị san phẳng để lại những hố sâu hoắm sau khi bị khai thác đất

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy phép khai thác của Công ty CP vận tải Bích Hóa đã hết hiệu lực từ tháng 3/2014. Từ đó đến nay (từ tháng 3/2014 - 3/2017), thực hiện đề án đã được Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, về việc cải tạo môi trường sau khai thác nhưng đơn vị này không tuân thủ quy định và tiếp tục khai thác. Hậu quả, đồi núi bị đào bới nham nhở, hoạt động vận chuyển của xe tải ra vào điểm mỏ kéo theo nhiều bụi đã ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh việc khai thác mỏ đất đã hết hạn, công ty Hoàng Tuấn Khanh còn lợi dụng việc được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện cải tạo kết hợp tận thu đất san lấp phục vụ hạ tầng nông thôn mới để xúc đất bán cho một số công trình ngoài địa bàn trái quy định.

Khi phóng viên có mặt tại một điểm khai thác đất trái phép ở thôn Khe Giao, xã Ngọc Sơn, dù không được một đơn vị nào cấp phép nhưng “đầu nậu” đất vẫn ngang nhiên đục khoét hàng nghìn m3 đất để đem đi bán. Điều đáng nói, việc khai thác này diễn ra công khai từ ra Tết Nguyên đán đến nay nhưng vẫn không có cơ quan chức năng nào vào cuộc.

Một số người dân địa phương cho biết: “Việc khai thác đất đá tại đây chẳng có gì xa lạ, một ngày có tới cả trăm xe chạy qua chạy lại mà chẳng ai ý kiến gì. Thời điểm này bắt đầu vào mùa nắng nên hoạt động khai thác mới rầm rộ đến thế, bởi cứ mưa xuống, đường trơn trượt thì các xe chẳng thể ra vào”.

Trước sự việc khai thác đất tràn lan, diễn ra công khai, trắng trợn, chúng tôi đã đến gặp chính quyền địa phương để tìm hiểu sự việc. Một nghịch lý khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng, thực trạng khai thác đất rầm rộ, thế nhưng trong  năm 2016, xã chỉ thi công 2,2 km đường giao thông nông thôn và hơn 1 km kênh mương nội đồng.

Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn về tình trạng thất thoát tài nguyên đất trên địa bàn, ông Quân cho biết: “Việc khai thác đất trên địa bàn rất khó kiểm soát. Mà chính quyền cũng không có trách nhiệm kiểm soát việc này. Khi các công ty được chấp thuận chủ trương cải tạo, thì đã có bố trí phương án để đổ đất. UBND xã cũng không thể bố trí người kiểm soát việc vận chuyển đất xuống thành phố hay đi đâu được. Chúng tôi chỉ thống nhất phương án là phục vụ nông thôn mới, còn việc họ vận chuyển đi đâu, sai với chủ trương thì đã có các cơ quan chức năng làm rõ. Hơn nữa, các cơ quan Nhà nước đi kiểm tra thường xuyên, còn UBND xã không thể đi theo trực tiếp các xe để kiểm tra. Còn về việc khai thác gây ô nhiễm môi trường thì đến thời điểm này chưa thấy các hộ dân phản ánh lên chính quyền xã”.

Với thực trạng khai thác đất rầm rộ đã khiến nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở cùng những hố sâu cả chục mét, những phương tiện vận chuyển đua nhau phá nát đường giao thông nông thôn, quá trình lưu thông phương tiện làm rơi vãi đất gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Câu hỏi người dân đặt ra là các điểm khai thác đất nằm cạnh Tỉnh lộ 15A nhưng không hiểu lý do gì mà cơ quan chức năng lại không phát hiện, xử lý kịp thời?

Đức Phú - Thu Hường

Các tin khác