Pháp luật
Xâm hại tình dục: Những vấn đề cần sửa từ luật
10:17, 25/03/2017 (GMT+7)
Nâng tuổi bị hại, thay đổi quan điểm đánh giá chứng cứ, mở rộng hành vi xem xét trách nhiệm hình sự về xâm hại tình dục trẻ em... là những vấn đề được góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Khổng Ngọc Oanh, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự-C45 (Bộ Công an) cho biết, đặc thù là đơn vị thực thi pháp luật, C45 phá rất nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 80% số vụ xâm hại trẻ em nói chung.
Từ thực tế công tác của mình, ông Oanh cho rằng hiện nay Luật quy định người dưới 18 tuổi nếu dâm ô trẻ em sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự là chưa phù hợp. Mặc khác, đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, theo đại diện C45, hiện nay luật pháp đang quá chú trọng về chứng cứ, kết quả giám định. “Theo tôi, kết quả giám định chỉ nên để tham khảo, chứ không nên quá cầu toàn. Lời khai của bị hại, có người giám hộ, có luật sư tham gia, có cán bộ Hội LHPN cơ sở chứng kiến thì nên coi lời khai đó là một chứng cứ”, ông Khổng Ngọc Oanh nói.
Một nội dung nữa liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em cũng được vị đại diện C45 đề nghị, nâng tuổi bị hại cho tội dâm ô dưới 16 tuổi như qui định hiện hành lên dưới 18 tuổi để nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật.
Còn ý kiến của bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển xã hội cho rằng, cần phải có những quy định cụ thể hơn về tội dâm ô trẻ em. “Từ thực tế thời gian qua, tôi cho rằng những hành vi như chủ định gặp trẻ em để dâm ô, dụ dỗ trẻ với mục đích dâm ô, có chủ ý khiêu dâm với trẻ, gửi hình ảnh sex cho trẻ, gợi ý tình dục với trẻ em… thì nên xem xét xử lý hình sự”, TS. Khuất Thu Hồng nói.
Ngoài ra, TS. Hồng góp ý, nên đưa vấn đề quấy rối tình dục vào trong Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này. “Cần cụ thể hóa hành vi này và đưa vào luật, bởi từ quấy rối tình dục đến xâm hại tình dục, hiếp dâm là rất gần”, TS. Khuất Thu Hồng lo lắng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, với tội dâm ô, hiện nay luật chỉ quy định bị hại là trẻ em. Trong khi đó, trên thực tế người già vẫn có thể bị dâm ô. “Vậy tại sao không đưa người già vào trong nhóm nạn nhân của tội danh này?”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Góp ý về vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong dự thảo Bộ luật Hình sự 2015, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội (Khóa XIII), cho rằng: Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cần hướng đến và chú trọng vào bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Cụ thể, cần tăng nặng đối với những hành vi làm tổn hại đến phụ nữ, trẻ em, phụ nữ mang thai.
Ông Trường góp ý: “Việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 nên theo phương án: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Bởi lẽ, theo ông Trường, luật pháp cần nghiêm minh nhưng cũng nên tạo cơ hội để những người mắc sai lầm hoàn lương, đứng dậy, tăng tính giáo dục, thuyết phục là chính thay vì trừng trị. Nhất là những đứa trẻ ở trong độ tuổi từ 14 – 16 tuổi.
“Tôi mong muốn Hội LHPN sẽ kiên định kiến nghị này để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em”, ông Lê Viết Trường nói.
Nguồn: Minh Hồng/Chinhphu.vn