Pháp luật
Nếu để mất rừng, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm
08:34, 17/03/2017 (GMT+7)
Thảo luận dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị "phải quy định rõ trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện. Nghĩa là nếu mất rừng thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm”.
Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra xem xét, thảo luận trong phiên họp thứ 8 diễn ra vào chiều 16/3.
Tờ trình về dự án Luật của Chính phủ được trình bày tại phiên họp cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004) đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia.
Kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới; gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội.
Nhờ đó, diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 thì đến năm 2015 diện tích rừng đã tăng lên là 14,061 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84%; sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm đạt khoảng 17 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD.
Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp. Sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp. Đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...
Ngày 29/7/2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 22/2016/QH14 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trong đó giao Chính phủ tổ chức xây dựng dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Mục đích của việc xây dựng dự án Luật nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ đối với dự án Luật này của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều. So với Luật năm 2004, dự thảo Luật kế thừa 8 điều, sửa đổi 60 điều, bổ sung mới 29 điều, bỏ 19 điều.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật năm 2004. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp để dự thảo Luật hoàn thiện và chặt chẽ hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đánh giá, về việc quản lý rừng thì quy định rất rõ từ Trung ương, nhưng khi thi hành lại phức tạp. Theo ông Việt, những quy định nêu trong dự thảo Luật cũng không bảo đảm cho kiểm lâm bảo vệ được rừng, chống được lâm tặc.
“Mình phải tính cơ chế lập pháp làm hành lang pháp lý cho các cơ quan công quyền để xử lý, ngăn chặn những vấn đề này. Phải ban hành theo hướng trao quyền mạnh hơn, để lâm tặc lộng hành là có tội với dân, với đất nước”, ông Võ Trọng Việt phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, việc quản lý rừng từ xưa đến nay là vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong dự thảo Luật, quy định về vấn đề này khá chung, do đó đề nghị phải cụ thể hơn nữa.
Phát biểu thêm về phân loại rừng, ông Đỗ Bá Tỵ nhất trí với đề xuất của Chính phủ phân thành 3 loại rừng là đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, nhưng đề nghị trong rừng đặc dụng nên đưa vào rừng khu vực biên giới để quản lý sâu hơn, bởi đây là vấn đề có tác dụng lớn với quốc phòng an ninh.
Cũng quan tâm tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, bảo vệ rừng là vấn đề cấp bách phải đặt ra. Ông Bình nhận xét: Dự thảo luật có đề cập đến trách nhiệm bảo vệ rừng của cấp tỉnh, huyện, nhưng mới nêu chung chung: “Tôi đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện. Nghĩa là nếu mất rừng thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Khi bay từ Điện Biên về, tôi nhìn xuống thấy đồi trọc hết. Tây Nguyên mà không còn màu xanh. Đi Lai Châu thì thấy những triền đồi bà con chặt hết để trồng chuối”. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề phải suy nghĩ và Luật phải giải quyết được. Đồng thời Quốc hội phải ra nghị quyết giám sát về bảo vệ, trồng rừng; bố trí nguồn lực để trong 5-10 năm tới, hằng năm trồng bao nhiêu ha rừng, xác định trồng chỗ nào giao cho chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm trồng rừng.
Nguồn: Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn