Pháp luật

Thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP ở TP Vinh: Vẫn còn nhiều bất cập

16:45, 16/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Luật Xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP  trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đến thời điểm này đã có hiệu lực hơn 1 tháng. Theo đó, việc quản lý, xử phạt các cá nhân, tổ chức vứt rác, mẩu thuốc lá, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt hành chính gấp 10 - 20 lần so với nghị định cũ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở vật chất có đáp ứng được nhu cầu của người dân, ai, cấp nào đứng ra thực hiện và hiệu quả của Nghị định mới như thế nào, liệu có khả thi hơn Nghị định 179 trước đó?

Do ý thức chưa cao nên rất nhiều người dân còn vi phạm cần phải xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên thu dọn rác thải người dân vứt không đúng nơi quy định)
Do ý thức chưa cao nên rất nhiều người dân còn vi phạm cần phải xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên thu dọn rác thải người dân vứt không đúng nơi quy định)

Tại Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ghi rõ:  “Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt cũ từ 500.000 - 1 triệu đồng). Bên cạnh đó, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, cũng sẽ được điều chỉnh mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ được điều chỉnh cao nhất từ 5 - 7 triệu đồng (mức cũ 3 - 4 triệu đồng) đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hay vứt rác vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”.

Sau khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP được ban hành, nhiều người dân ở TP Vinh cho biết, họ tỏ ra lo ngại về tính thực thi của Nghị định này. Anh Nguyễn Cao Quang trú tại phường Hồng Sơn chia sẻ: “Nhiều lần tham gia giao thông, tôi có nhu cầu đi vệ sinh, nhưng tìm mãi không thấy nhà vệ sinh công cộng ở đâu, buộc phải vào trung tâm thương mại để đi vệ sinh nhờ. Chế tài xử phạt như vậy là đúng, nhưng cũng cần phải xem lại ở TP Vinh có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng? Tại các điểm chờ xe buýt cũng không có thùng đựng rác, vậy người dân vứt rác, mẩu thuốc lá ở đâu cho hợp lý?”.

Về vấn đề này, anh Hoàng Văn Phú trú tại phường Bến Thủy cho biết: “Tôi thấy tăng mức xử lý vi phạm đối với hành vi tiểu tiện hay xả rác ngoài đường là hợp lý. Tuy nhiên, trước khi tăng, các cơ quan chức năng cũng cần phải xem lại, liệu cơ sở vật chất của thành phố đã đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa? Bên cạnh đó, việc xử lý cần phải minh bạch, nộp phạt cho ai, các cấp nào đứng ra thực hiện để tránh tiêu cực? Ngoài ra, việc tuyên truyền cho người dân cũng phải có kế hoạch cụ thể, xử lý phải triệt để, tránh tình trạng tái diễn và cần có hướng xử lý tích cực hơn ngoài cách xử phạt hành chính. Theo tôi, nên lập biên bản cảnh cáo, nêu tên trên loa phường, sau đó mới xử phạt là hợp lý hơn. Ngoài ra, cần có lao động công ích để xử phạt”.

Dù đã có biển báo cấm đổ rác nhưng người dân vẫn vô ý thức vứt rác không đúng nơi quy định
Dù đã có biển báo cấm đổ rác nhưng người dân vẫn vô ý thức vứt rác không đúng nơi quy định

Nói về khó khăn trong việc xử phạt theo Nghị định 155 của Chính phủ, ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn, TP Vinh cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, ban đầu cũng gặp một số khó khăn, bởi phần lớn ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong lĩnh vực vệ sinh môi trường chưa tốt; xả rác thải vào những khung giờ mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát. Đặc biệt, phường Hồng Sơn có chợ đầu mối TP Vinh, rất đông người dân nơi khác đến buôn bán nên khó kiểm soát việc vứt rác thải. Trong năm 2016, phường đã xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với những trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng đã in ra văn bản phát cho từng hộ gia đình, nhưng để giải quyết tình trạng này thì vẫn còn khó khăn nhất định”.

Tại các tuyến đường lớn ở TP Vinh như Quang Trung, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, cũng như tại những điểm đón xe buýt, hầu hết đều không có thùng rác, nhà vệ sinh công cộng. Người dân vẫn vô tư vứt tàn thuốc, rác xuống lề đường. Một số người dân vẫn không hề hay biết hoặc tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về vấn đề xử phạt vệ sinh cá nhân hay vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định.

Khó về lực lượng và phương tiện thực hiện; bất cập về hạ tầng khi các điểm bỏ rác, nhất là nhà vệ sinh công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì thế, những hình ảnh thiếu văn hóa, phản cảm trên các con phố, nơi công cộng vẫn chưa thể chấm dứt mặc dù mức xử phạt vi phạm vệ sinh cá nhân, vứt rác, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định của Nghị định 155 cao gấp 10 - 20 lần so với nghị định cũ.

Nguyễn Quỳnh - Hoàng Thương

Các tin khác