(Congannghean.vn)-Sông Già uốn mình làm ranh giới giữa 2 huyện Can Lộc và Thạch Hà (Hà Tĩnh). Con sông này cung cấp nước sinh hoạt cho gần 4.000 hộ dân của 4 xã thuộc huyện Thạch Hà. Thế nhưng, hiện nay sông Già đang bị “bức tử” bởi nhiều nguyên nhân, đe dọa sự sống còn của Nhà máy nước sạch Bắc Thạch Hà và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Điểm tắm lợn sát sông Già, cách Nhà máy nước 200 m |
Công trình Nhà máy nước sạch Bắc Thạch Hà được đầu tư hơn 47 tỉ đồng, với công suất thiết kế 3000 m3/ngày, dự kiến phục vụ cho gần 4.000 hộ dân thuộc 4 xã: Thạch Liên, Thạch Kênh, Phù Việt, Việt Xuyên. Công trình được hoàn thành sử dụng vào tháng 10/2016, hiện nay đã cung cấp nước sạch cho 3.400 hộ dân thuộc 4 xã.
Thạch Kênh, Thạch Liên, Phù Việt, Việt Xuyên là những xã có nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nên nhu cầu dùng nước sạch của người dân là rất lớn. Ngay từ khi dự án được xây dựng, người dân phấn khởi và chờ đợi ngày được sử dụng nguồn nước sạch. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, họ lại tỏ ra lo ngại về chất lượng nguồn nước khi sông Già đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước hết là ô nhiễm từ 2 trang trại lợn. Trong đó, trang trại nuôi 1.000 con lợn của xã Tiến Lộc, cách Nhà máy nước 500 m và trang trại lợn của xã Thạch Kênh cách Nhà máy nước 300 m cũng nằm sát bờ sông. Tiếp đến là trang trại nuôi vịt với số lượng 4.000 - 5.000 con nằm sát Nhà máy nước. Và, điều khiến người dân lo lắng nhất chính là 5 điểm tắm rửa lợn nằm sát bờ sông khiến cho dòng sông bị ô nhiễm nặng nề.
Theo quan sát của phóng viên, chỉ một đoạn đường dài khoảng 100 m nhưng có đến 5 điểm tắm rửa cho lợn mọc lên, ngày nào cũng có hàng chục xe chở lợn qua đây và đỗ tại các điểm tắm lợn tự phát để tắm rửa, tiếp nước trước khi vận chuyển đến các lò mổ. Điều đáng nói, các điểm kinh doanh dịch vụ này nằm sát đường và sông nhưng không được che chắn, không có rãnh thoát nước. Trong quá trình phun nước tắm cho lợn và đổ nước mui làm mát xe, nước và chất thải “vô tư” chảy lênh láng xuống đường rồi chảy thẳng ra sông, bốc mùi nồng nặc.
Bà Nguyễn Thị Hòa sống gần Nhà máy nước bức xúc cho biết: “Gia đình tôi đã chờ đợi nguồn nước sạch hàng chục năm nay và vui mừng khi thấy họ về xây dựng Nhà máy nước. Thế nhưng, Nhà máy xây xong thì sông Già lại ô nhiễm nên khó tin tưởng để sử dụng nước. Nghe nói là nước đã được lắng đọng, khử trùng theo quy trình, chất lượng nằm trong giới hạn cho phép… nhưng chúng tôi làm sao biết có đúng không. Bằng mắt thường thấy ô nhiễm thì chúng tôi lo sợ thôi”.
Những lo lắng và bức xúc của người dân là có thực, thế nhưng phía các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái rõ ràng để xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường nói trên. Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết: "Do công trình mới đưa vào sử dụng nên phía Trung tâm chưa xử lý hết được những tồn tại. Trung tâm đã nghe người dân phản ánh về tình trạng trên và đến thời điểm này, Trung tâm đã gửi văn bản cho huyện Thạch Hà có ý kiến về chỗ chăn nuôi vịt. Còn trang trại nuôi lợn và tắm rửa cho lợn thì Trung tâm đã có ý kiến đề xuất huyện sớm giải quyết những tồn tại trên”.
Còn ông Hoàng Việt Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thạch Hà cho rằng: “Trước thực trạng trên, huyện đã chủ động phối hợp với xã kiểm tra, lập biên bản xử lý, nhưng trước mắt ngày một ngày hai chưa thể giải quyết dứt điểm. Hơn nữa, những hộ tắm rửa lợn lại là đất của gia đình, họ chỉ lấn chiếm một phần đất hành lang nên huyện đã giao cho xã xử lý”.
Nước sạch là một nhu cầu thiết yếu của người dân, thế nhưng những động thái xử lý của các cơ quan chức năng còn mang nặng tính hình thức. Để đảm bảo nguồn nước sạch, đề nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng cần vào cuộc thực sự và sớm có giải pháp xử lý tình trạng này.