(Congannghean.vn)-Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chính là giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, góp phần làm giảm gánh nặng cho bệnh viện. Do đó, để làm tốt vấn đề này cần phải nâng cao nhận thức về ATVSTP, trong đó đề cao lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát động cuộc vận động “Nói không với thực phẩm bẩn” tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg |
Gian nan “cuộc chiến” ATVSTP
Những năm gần đây, nhiều căn bệnh lạ và quái ác xuất hiện, khiến các nhà khoa học trên thế giới không khỏi lo ngại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ khâu ATVSTP. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 35% nạn nhân trên thế giới mắc bệnh ung thư liên quan đến yếu tố thực phẩm và thói quen ăn uống hàng ngày.
Được biết, từ đầu năm 2011 (thời điểm Luật ATVSTP có hiệu lực) đến nay, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về vấn đề ATVSTP gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người ngày một phổ biến và tinh vi hơn. Đó là tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất cũng như bảo quản thực phẩm, hoa quả; việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng vẫn diễn ra ở mọi quy trình sản xuất, mặc dù đây là những chất đã bị cấm sử dụng.
Với mục tiêu đảm bảo ngày càng tốt hơn sức khoẻ của con người thì vấn đề ATVSTP luôn được đặt lên hàng đầu. Đó không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này mà còn là trách nhiệm của mọi người dân, trong đó có sự tự bảo vệ của chính người tiêu dùng và sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan truyền thông.
Trước tình trạng vi phạm về ATVSTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội, nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, đảm bảo ATVSTP, ngày 9/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác ATVSTP.
Tại Nghệ An, sau 5 tháng triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Nghệ An đã có những bước tiến quan trọng trong công tác đảm bảo ATVSTP. Từ tỉnh đến huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP do Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban; đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 61/2016/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 mang tính “bản lề”, quy định phân công trách nhiệm và phối hợp quản lý Nhà nước về ATVSTP trên địa bàn.
Chỉ tính riêng thời gian 5 tháng triển khai, toàn tỉnh đã tập trung rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho 1.090 cơ sở, nâng tổng số cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP từ trước đến nay lên 3.353/23.154 cơ sở; ký cam kết đảm bảo ATVSTP với 3.958 cơ sở.
Bên cạnh đó, đã thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành; 7 đoàn thanh tra chuyên ngành thuộc các sở, ngành; 223 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành tuyến huyện. Các đoàn đã thực hiện kiểm tra 757 cơ sở, phát hiện 639 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 1,6 tỉ đồng, tiêu hủy 4.675 kg sản phẩm động vật, 11.300 con gia cầm và hàng trăm tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phát hiện, xử lý cơ sở sản xuất bánh không đảm bảo ATVSTP |
Hành động quyết liệt “Nói không với thực phẩm bẩn”
Để triển khai hiệu quả công tác ATVSTP và từng bước giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc tạo thói quen sử dụng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng cần phải có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thực thi một cách nghiêm túc với những chế tài mạnh đối với các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATVSTP trong tình hình mới” được tổ chức vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đối với vấn đề này.
Đó là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ATVSTP; chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng ATVSTP. Công tác phối hợp liên ngành trong giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về ATVSTP vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về ATVSTP còn nhiều khó khăn, bất cập, xử lý vi phạm về ATVSTP chưa triệt để.
Bên cạnh đó, hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP còn nhiều hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức hết mối nguy hại của thực phẩm bẩn, còn lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục quy định; sử dụng nước ô nhiễm để rửa rau, quả; lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; sử dụng hàng hóa thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nguy cơ ngộ độc cao.
Để tăng cường vai trò, vị trí của vấn đề ATVSTP trong phát triển bền vững hiện nay, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đã nêu ra các giải pháp cần tập trung thực hiện. Nhiệm vụ xuyên suốt đó là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân, cộng đồng về vai trò, vị trí của vấn đề ATVSTP đối với sức khỏe, năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của vấn đề ATVSTP.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các gương thực hiện tốt, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến ATVSTP nhằm khẳng định vai trò của thực phẩm sạch trong phát triển bền vững đất nước.
Một yêu cầu quan trọng đặt ra cho các cơ quan chức năng đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của các cơ quan có thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo ATVSTP tại các chợ, siêu thị; phát huy hiệu quả mô hình chợ ATVSTP; ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Xử lý, kỷ luật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSTP.