(Congannghean.vn)-Vi phạm hành chính (VPHC) diễn ra trên mọi lĩnh vực và trên khắp các địa bàn. Trong thời gian qua, số lượng hành vi VPHC nhiều, trong đó có những hành vi mang tính chất nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng như: Cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ... Tuy nhiên, các hành vi trên không được áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính để xử lý dẫn đến hiệu quả công tác xử phạt VPHC chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Điều này đặt ra những yêu cầu, thách thức trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng việc xử phạt VPHC của các cấp, ngành.
Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác xử phạt VPHC theo quy định của Luật Xử lý VPHC đã dần đi vào nề nếp. Các lĩnh vực vi phạm nhìn chung được phát hiện và xử lý kịp thời, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử phạt đảm bảo đúng quy định, đúng người, đúng hành vi, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về ANTT. Việc xử phạt VPHC đã góp phần đảm bảo ANTT, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra được khắc phục kịp thời, tăng cường kỷ cương, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên địa bàn, Công an Nghệ An đã kịp thời, chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, hướng dẫn nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh Nghệ An; từ đó góp phần đảm bảo ANTT, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý VPHC.
Công an huyện Hưng Nguyên kiểm tra lô hàng không rõ nguồn gốc trị giá 1,5 tỉ đồng |
Qua nghiên cứu có thể xác định các hành vi VPHC chủ yếu như: Trên lĩnh vực ATGT đường bộ là điều khiển xe cơ giới chở quá trọng tải; xe chở cồng kềnh, quá khổ, quá tải; người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu; người ngồi trên xe mô tô, xe máy khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khác khi tham gia giao thông có chiều hướng tăng. Trong lĩnh vực quản lý hành chính, hộ khẩu, các hành vi vi phạm chủ yếu là tự ý sửa chữa, tẩy xóa sổ hộ khẩu, CMND, không khai báo tạm vắng, tạm trú, đăng ký khai sinh quá hạn, vi phạm các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động của các cơ sở ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT.
Hiện nay, các VPHC liên quan đến lĩnh vực môi trường, tuy mới nhưng cũng bắt đầu gia tăng tại nhiều địa bàn. Trong đó, chủ yếu là các hành vi khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý tiếp tục diễn ra; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch còn tiềm ẩn phức tạp.
Theo thống kê, trong năm 2016, tổng số vụ, việc VPHC là 181.992 vụ, với 182.869 quyết định xử phạt. Số tiền phạt thu được khoảng 137 tỉ đồng. Tổng giá trị tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu gần 12 tỉ đồng. Cũng trong năm 2016, đã có 1.116 trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 31 trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng.
Trong quá trình hoạt động, Công an các đơn vị, địa phương đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử phạt VPHC. Ví dụ như những hành vi mang tính chất nghiêm trọng như: Cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản (như trộm chó gây bức xúc trong nhân dân), chống người thi hành công vụ tuy không nhiều nhưng tính chất nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng cao nhưng không được áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính để xử lý.
Việc này dẫn đến hiệu quả công tác xử phạt VPHC chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Trong khi đó, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhìn chung còn nhiều khó khăn, thủ tục lập hồ sơ người nghiện ma túy để chuyển sang Toà án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quá phức tạp, đối tượng nghiện ma túy, có thể bị áp dụng cùng lúc 2 biện pháp: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, Luật Xử lý VPHC quy định thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 3 - 6 tháng, trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là từ 6 - 12 tháng. Như vậy, trong trường hợp đối tượng đã thực hiện xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà có hành vi vi phạm tiếp cần phải áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nhưng chưa thực hiện xong biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng nên chưa thể lập hồ sơ. Điều này gây lúng túng và khó triển khai thực hiện trong thực tế. Ngoài ra, đối với người sau cai nghiện trở về từ các trung tâm bị phát hiện tái nghiện thì cũng phải lập hồ sơ lại như ban đầu.
Trong khi đó, việc giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội (đối với người không có nơi cư trú ổn định) quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không thực hiện được trên thực tế. Điều này xuất phát từ việc quản lý số đối tượng này gặp nhiều khó khăn: Nếu để cho gia đình quản lý thì rất khó, trong khi, các tổ chức xã hội không đủ khả năng và điều kiện để quản lý người nghiện ma túy.
Có thể khẳng định, việc nâng cao hiệu quả xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh hiện nay là góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội. Chính vì thế, việc tiến hành đồng thời các biện pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả xử lý VPHC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra đối với công tác xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
.