Pháp luật
Hàng chục hộ dân sống bên miệng 'hà bá'
(Congannghean.vn)-Đó là tình cảnh thực tế của hơn 20 hộ dân đang sinh sống ven sông Đào, thuộc địa bàn thị trấn Nam Đàn, đang hàng ngày thấp thỏm lo sợ bị sạt lở đất. Mới đây nhất, trận mưa giông lớn vào giữa tháng 10 vừa qua, đã có 4 gia đình bị sạt lở đất nghiêm trọng.
Chúng tôi đến nhà ông Đặng Văn Nhuần (SN 1969) ở khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn vào một ngày gần đây. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là con đường vào nhà ông Nhuần đã bị sạt lở, khoét sâu vào sân nhà, bờ kè do gia đình xây đã sụt hoàn toàn xuống sông… Để giữ con đường bê tông đã bị sụt đất phía dưới, ông Nhuần phải sử dụng rất nhiều cọc tre chống đỡ lớp bê tông trên mặt đường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi không ai dám đi trên con đường này khi mà phía dưới lớp bê tông là những cọc tre chống đỡ yếu ớt.
Người dân dùng cọc tre chống đỡ lớp bê tông mặt đường |
Cùng lối vào nhà ông Nhuần là nhà bà Nguyễn Thị Thành. Gia đình này cũng làm nhà ở đây từ năm 1995 nhưng hiện nay, do sạt lở, ngôi nhà nằm ngay sát mép sông. Trận mưa lớn vào tối 14 và ngày 15/10 đã làm con đường và hàng chục mét tường rào sạt lở, trôi xuống sông, phá hỏng cả đường ống dẫn nước sạch. Ông Trịnh Văn Phương, chồng bà Thành buồn rầu cho biết, gia đình về đây sinh sống từ năm 1995, khu đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ do đất đang ở là đất của hành lang sông Đào.
Tại khu vực trên không chỉ có gia đình ông Nhuần, bà Thành đang bị sạt lở mà phía bên kia sông Đào (đối diện nhà ông Nhuần) là gia đình anh Quách Văn Thọ cũng bị sạt lở đất nghiêm trọng. Ngôi nhà của anh Thọ đang chênh vênh bên miệng sông Đào và có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào bởi bờ sông dốc đứng. Anh Thọ cho biết, trận mưa tối 14 và ngày 15/10 vừa qua đã làm chuồng gà nhà anh trôi xuống sông, gần 100 con gà giờ chỉ còn lại hơn 10 con sống sót. Hiện tại, khu vực nhà bếp và giếng nước “sẵn sàng” rơi xuống lòng sông bất cứ khi nào nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra...
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại thị trấn Nam Đàn có hơn 20 hộ dân sinh sống ven sông Đào có nguy cơ bị sạt lở đất. Mặc dù các hộ dân này đã sinh sống ở đây từ rất lâu, song vì vướng vào hành lang sông Đào nên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều năm qua, các hộ dân đều bỏ ra số tiền lớn để đắp đường, đổ bê tông, kè chắn nhằm đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn cho biết, theo thống kê của địa phương thì có khoảng 20 hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ đặc biệt nguy hiểm. 4 hộ này địa phương đã có báo cáo danh sách gửi UBND huyện để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Thời điểm xảy ra mưa lớn, chúng tôi đã bố trí di dời người dân đến nơi an toàn. Nếu xảy ra phương án xấu thì huy động lực lượng vận chuyển đồ đạc ra khỏi ngôi nhà. Địa phương cũng mong các cấp, ngành ủng hộ, sớm có phương án giải quyết lâu dài tình trạng này, nhằm đảm bảo đời sống cho người dân.
Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn, để người dân sinh sống đảm bảo an toàn, về lâu dài thì có hai phương án, một là tái định cư đến nơi ở mới, hai là nếu như chưa thể di dời thì cần phải có phương án làm bờ kè sông Đào, chống sạt lở bờ sông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân sạt lở đất là do đợt mưa vừa qua khá lớn, song một phần là do việc nạo vét sông Đào đã tạo cho mép bờ sông dốc đứng, dễ gây sạt lở. Về lâu dài, nếu không có biện pháp di dời các hộ dân hoặc làm kè chống sạt lở thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn mỗi khi mùa mưa đến.
Đức Thắng