Pháp luật

Tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Biến khuôn viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thành điểm kinh doanh

14:36, 11/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Doanh nghiệp thì lấy lý do thực hiện chủ trương quy hoạch mạng lưới; cơ quan Nhà nước lại biện hộ rằng để cho người dân có điều kiện tiếp cận, tham khảo và mua các thiết bị, sách vở đảm bảo chất lượng, vì thế mà gần như toàn bộ diện tích mặt tiền của trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Thành đã được sử dụng cho mục đích kinh doanh, bất chấp các quy định của Nhà nước!

Khuôn viên Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành để doanh nghiệp thuê làm đại lý sách, thiết bị trường học
Khuôn viên Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành để doanh nghiệp thuê làm đại lý sách, thiết bị trường học

Sử dụng đất công sở đặt đại lý kinh doanh

Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Yên Thành nói chung, người dân tham gia giao thông nói riêng đều phát hiện sự “lạ thường” khi cả không gian rộng ở phía trước trụ sở Phòng GD&ĐT huyện để cho một đại lý bán hàng thuộc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học (tạm gọi Công ty) “mượn” làm điểm kinh doanh.

Đem những thực tế này trao đổi với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng cho hay: “Trước kia diện tích này (nơi đặt đại lý - P.V) chưa thuộc quyền sở hữu của cơ quan. Sau này đường được mở rộng, diện tích đất thấp, xấu được san lấp sau đó mở rộng thêm, rồi mới cho Công ty thuê. Lý do mà chúng tôi cho họ thuê là mong muốn có một đơn vị cung ứng có nguồn gốc sách, vở và các thiết bị chính thống, giá cả đảm bảo,… chứ không nghĩ đến lợi nhuận”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lấy lý do này, ngày 26/4/2015, Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành có Tờ trình 425 gửi UBND huyện về việc xin mở rộng nhà sách của Phòng. Phúc đáp nội dung trên, ngày 12/5/2015, Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tiến Lợi đã ký đồng ý chủ trương trên của Phòng, kinh phí thực hiện do Công ty đảm nhận; trong đó xác định quyền sở hữu sử dụng đất đai thuộc Phòng GD&ĐT huyện và các cam kết hai bên về thời hạn sử dụng nhà trên đất, các yêu cầu khi thanh lý…

Tháng 8/2015, đại lý sách, thiết bị thuộc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học được xây dựng và đưa vào hoạt động, phục vụ năm học 2015 - 2016. “Ban đầu định xây dựng phòng bảo vệ cơ quan kết hợp phòng tiếp dân, nhưng sau này thì phối hợp với Công ty để kinh doanh. Đúng ra Phòng phải cử cán bộ theo dõi, quản lý vận hành ở đại lý, nhưng làm thế thì không có người”, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết thêm.

Lợi dụng quy hoạch ngành để kinh doanh?

Thực hiện quyết định 2971/QĐ-UBND ngày 13/7/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt  quy hoạch phát triển ngành Xuất bản - In - Phát hành giai đoạn 2010 - 2020, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học với định hướng phát triển là công ty cổ phần 100% chủ sở hữu và vốn vay, hệ thống kinh doanh trực thuộc là các trung tâm, cửa hàng ở các huyện, thị xã.

Từ văn bản này có thể thấy rằng, Công ty là một doanh nghiệp với mục tiêu tổ chức sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận theo ngành, lĩnh vực phục vụ các nhu cầu của hệ thống trường học trong tỉnh, trong nước theo hướng mở rộng dịch vụ đa ngành. Thế nhưng, sau khi Công ty làm việc với huyện Yên Thành đã nhận được sự “hợp tác” này khi để khuôn viên của cơ quan công sở trực thuộc UBND huyện làm cửa hàng, đại lý, nơi kinh doanh các sản phẩm của Công ty, rõ ràng là điều không thể.

Ông Trần Xuân Toàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty lý giải: Vào thời điểm Quyết định 2971 ban hành năm 2010 thì chủ trương đưa ra là mỗi huyện, thị xây dựng từ 1 - 2 nhà sách để phục vụ, hoặc tận dụng quỹ đất trong các trường THPT để làm đại lý, căng tin sách. Đến năm 2014, Công ty chuyển đổi mô hình sang cổ phần đã gặp khó khăn, bởi muốn có nhà sách ở các địa phương thì yêu cầu phải đảm bảo về quỹ đất, vị trí… Do đó, để thành lập các đại lý, cửa hàng ở các huyện, thị, Công ty phải tự xoay xở. Tại huyện Yên Thành, sau khi trình bày chủ trương với lãnh đạo địa phương, đã được sự đồng ý mở rộng thêm diện tích cũ để cải tạo thành nhà sách làm nơi trưng bày, giới thiệu sách, phục vụ mua sắm.

Khi được hỏi, theo phê duyệt quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, mạng lưới Công ty phải phát triển nhà sách có quy mô tại 3 địa phương là TX Thái Hòa, TX Hoàng Mai và huyện Con Cuông nhưng sao không phát triển theo định hướng lại chọn huyện Yên Thành, ông Trần Xuân Toàn lại cho rằng: “Đây là huyện rộng lớn, trái tuyến, đi lại không thuận tiện cho việc tham khảo, mua sắm ở các trung tâm lớn nên chúng tôi lựa chọn ở đây để phụ huynh, học sinh dễ có điều kiện hơn. Ngoài đại lý đặt tại thị trấn Yên Thành, chúng tôi còn đặt ở huyện Hưng Nguyên và Anh Sơn”.

Với câu trả lời này có thể thấy rằng, phía Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học vận hành và phát triển không theo quy hoạch cũng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, của ngành. “Hiện đại lý chúng tôi đang dùng là thuộc chủ sở hữu đất của Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành, không có sự chuyển nhượng nào; đồng thời các loại thuế cho tài sản nhà trên đất đều do Phòng có trách nhiệm thực hiện, còn chúng tôi không liên quan vì đơn vị thuế của Công ty trực thuộc Cục Thuế tỉnh. Hoạt động tại các đại lý mà Công ty mở lên cũng chỉ mục đích tập trung phục vụ người dân, phục vụ ngành”, ông Toàn lý giải.

Rõ ràng, việc Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành là cơ quan chuyên môn được sử dụng tài sản công nhưng cho doanh nghiệp thuê lại, kinh doanh sai mục đích là vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Trước thực trạng này đang tồn tại đồng nghĩa với việc cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu địa phương huyện Yên Thành đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An về việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước trước ngày 28/2/2013 như đã ban hành.

Xuân Thống

Các tin khác