Pháp luật

Tội phạm mua bán người luôn tiềm ẩn phức tạp

15:09, 19/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Hoạt động tội phạm mua bán người (MBN) luôn tiềm ẩn phức tạp và loại tội phạm này rất tinh vi, xảo quyệt, có sự liên kết rộng giữa các đối tượng trong nước và ở nước ngoài. Hơn bao giờ hết, mọi người dân cần đề cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phát hiện, kịp thời ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả hoạt động tội phạm này” - Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Phòng CSHS - CATP Hà Nội, vừa qua, đơn vị phối hợp với Cục CSHS Bộ Công an khám phá 1 chuyên án MBN và 1 ổ nhóm tội phạm hoạt động MBN qua biên giới.

“Tình hình tội phạm MBN trên địa bàn thành phố có nhiều tiềm ẩn phức tạp. Người dân ở các tỉnh đến Hà Nội tìm việc làm ngày càng tăng, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về ANTT như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, massage, tẩm quất cũng tăng theo. Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối Đông Nam Á (Asean) có nhiều thuận lợi… Những yếu tố trên là một trong các điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hình sự (TPHS) nói chung, trong đó có tội phạm MBN hoạt động phạm tội” - Đại tá Dương Văn Giáp đánh giá.

Nhiều cô gái bị dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm được lực lượng Công an giải cứu thành công trở về với gia đình
Nhiều cô gái bị dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm được lực lượng Công an giải cứu thành công trở về với gia đình

Cũng theo nghiên cứu của các cán bộ chuyên điều tra, khám phá các vụ án MBN xuyên quốc gia, tội phạm MBN thường lợi dụng vào việc thành lập các công ty có chức năng tuyển dụng, hoặc cung cấp nhân lực trong nước và nước ngoài, hoặc công ty du lịch lữ hành để hoạt động MBN. Đáng chú ý, vừa qua trên địa bàn thành phố đã xuất hiện hoạt động mua bán nội tạng người (mua bán thận) có sự cấu kết giữa đối tượng tại Hà Nội với đối tượng ở các tỉnh và đây được coi là một trong những thủ đoạn mới của tội phạm MBN.

Qua điều tra cơ bản, Phòng CSHS - CATP Hà Nội xác định 7 tuyến trọng điểm tội phạm lợi dụng hoạt động MBN trên địa bàn thành phố. Ngoài các tuyến giao thông trọng điểm từ Hà Nội đi các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng; 2 tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai và tuyến hàng không từ sân bay Quốc tế Nội Bài đi các nước, Công an Hà Nội còn xác định được 15 địa bàn quận, huyện, thị xã là địa bàn trọng điểm phức tạp mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động MBN, trong đó có 7 quận nội thành, 7 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây.

Cũng trong thời gian vừa qua, lực lượng CSHS - CATP đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng và Công an Trung Quốc giải cứu và tiếp nhận 6 nạn nhân các vụ MBN, đưa họ về đoàn tụ với gia đình. Theo Thượng tá Vũ Mạnh Thường, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm MBN, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đối với tội phạm MBN ở các tuyến, địa bàn trọng điểm về hoạt động tội phạm này còn nhiều khó khăn do phần lớn đối tượng MBN là người tỉnh ngoài về địa bàn Hà Nội hoạt động, không đăng ký tạm trú, hoặc không có nơi ở cố định, gây khó khăn cho việc quản lý.

Đối tượng MBN thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan công an, do vậy đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt. Do đó, khi nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân cung cấp thông tin đã gây khó khăn cho việc xác minh, điều tra của cơ quan công an. “Đây là loại tội phạm ẩn và chỉ khi có bị hại được giải cứu hoặc trốn thoát trở về tố giác với cơ quan công an thì mới điều tra làm rõ được đối tượng để truy tố trước pháp luật, trong khi đó việc xác định được địa chỉ của nạn nhân để giải cứu còn gặp nhiều khó khăn” - Thượng tá Vũ Mạnh Thường chia sẻ.

Theo Đại tá Dương Văn Giáp, để công tác phòng chống tội phạm MBN đạt hiệu quả, việc quan trọng nhất là tăng cường hợp tác với công an các nước trong khu vực, nhất là các nước như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào... để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm MBN, giải cứu nạn nhân. Tăng cường quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu Quốc tế, công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng ở các khu vực biên giới, nhà ga, bến xe, để phát hiện những đối tượng MBN và các trường hợp có nghi vấn để ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của đối tượng, giải cứu nạn nhân ngay từ trong nội địa, hoặc trên lãnh thổ Việt Nam.

“Tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, đối tượng, thủ đoạn của tội phạm và các vấn đề liên quan giữa các đơn vị, địa phương để phối hợp có hiệu quả trong phòng chống tội phạm MBN” - Trưởng Phòng CSHS, CATP Hà Nội nhấn mạnh.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác