(Congannghean.vn)-Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó lại là sự thật “đắng lòng” đối với 40 giáo viên mới được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước công tác trong ngành giáo dục ở huyện Đô Lương. Sự việc trên khiến nhiều giáo viên không khỏi băn khoăn và chính những người làm công tác tuyển dụng, xếp lương cũng thấy đó là một thiệt thòi nhưng họ không còn cách nào khác.
Vừa qua, trong chuyến công tác tại huyện Đô Lương, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một giáo viên trẻ vừa mới được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước, công tác trong ngành giáo dục huyện.
Cô giáo trẻ này cho biết: “Khi chúng tôi được hợp đồng làm công tác giảng dạy (Hợp đồng 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV - P.V), thì được trả lương theo hệ số bằng cấp. Ai tốt nghiệp đại học thì hệ số lương khởi điểm là 2,34, tốt nghiệp hệ cao đẳng thì lương khởi điểm là 2,10 và hệ trung cấp là 1,86. Thế nhưng, bây giờ được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước hẳn hoi, những người tốt nghiệp đại học như chúng tôi đều phải nhận lương khởi điểm theo hệ số của bậc trung cấp”.
Phương án xếp lương của huyện Đô Lương gây thiệt thòi cho các giáo viên |
Qua tìm hiểu được biết, tháng 8/2015, huyện Đô Lương ký hợp đồng lao động với 80 giáo viên mầm non theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLB-BGDĐT-BTC-BNV.
Đầu năm 2016, huyện tổ chức thi tuyển, có 43 giáo viên trúng tuyển cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn (trong đó 20 giáo viên mầm non, 14 giáo viên tiểu học, 5 nhân viên thư viện, 4 nhân viên văn thư). Đây là đợt tuyển dụng sau khi có các thông tư liên bộ quy định mã số, chức danh nghề nghiệp viên chức: Giáo viên mầm non, tiểu học và thư viện.
Căn cứ vào các văn bản trên, huyện Đô Lương xếp lương cho các giáo viên mới được tuyển dụng dù tốt nghiệp đại học hay cao đẳng đều phải hưởng mức lương khởi điểm có hệ số là 1,86.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Thuận, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đô Lương cũng thừa nhận: “Tính hệ số lương như vậy là thiệt thòi cho người lao động. Nhưng Bộ đã có Thông tư liên tịch (TTLT) số 20 dành cho giáo viên mầm non, TTLT số 21 dành cho giáo viên tiểu học, TTLT số 22 dành cho giáo viên trung học cơ sở và TTLT số 23 dành cho giáo viên trung học phổ thông như vậy buộc chúng tôi phải thực hiện chứ không thể làm khác được”.
Cũng theo ông Thuận, trước khi tiến hành xếp lương, Phòng Nội vụ cũng đã có văn bản gửi Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT để được hướng dẫn, song việc trả lời của các sở này cũng không nhất quán; nơi thì yêu cầu làm theo văn bản của Bộ, nơi lại trả lời chung chung. Do đó, dù biết thiệt thòi cho người lao động nhưng Phòng cũng phải thực hiện theo thông tư mới, nếu không sau này không thể truy thu được số tiền đã chi trả.
Một chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Đô Lương không khỏi băn khoăn: Theo TTLT số 20/TTLB- BGDĐT-BTC-BNV quy định mức lương dành cho giáo viên mầm non quy định mức lương khởi điểm thấp nhất là hạng 4, với khung lương từ 1,86 - 4,06, sau khi đủ năm công tác hoặc có bằng cấp cao hơn thì được thi thăng hạng hoặc xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn ngạch giáo viên và cũng chưa có tiêu chí, nội dung thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Bởi vậy, những giáo viên nói trên cũng buộc phải chờ, dù nguyện vọng của họ là chính đáng. Mặt khác, việc triển khai thực hiện chi trả lương cho giáo viên theo Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23 cũng chưa được triển khai đồng bộ. Theo chuyên viên này, hiện nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn áp theo khung lương cũ.
Ông Trần Ngọc Thuận thì cho rằng, trước đây đã có lần thực hiện xếp lương theo trình độ giáo viên thì bây giờ cũng nên như thế, nhằm động viên những người sau này để họ không bị thiệt thòi. Còn về chuyện chuyển ngạch, việc tổ chức xét hay thi đều nên có tiêu chí cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều trường đại học đang đào tạo song song nhiều bậc học từ trung cấp, cao đẳng đến đại học. Trong đó, có cả những chuyên ngành đạo tạo hệ đại học (đào tạo liên tục 4 năm), như: Đại học mầm non, đại học tiểu học… Vì vậy, khi ra trường nhiều sinh viên đã có ngay bằng đại học mầm non, đại học tiểu học. Và nếu, xếp lương sau khi tuyển dụng phải hưởng hệ số lương bậc trung cấp (đào tạo 2 năm) như huyện Đô Lương đang thực hiện thì quả là một thiệt thòi lớn cho người lao động nói chung, các giáo viên nói riêng.