Pháp luật

Dự án đường giao thông thị trấn Con Cuông đi Bình Chuẩn

Một thập kỷ chờ... nối những bản làng

10:07, 22/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Được mong đợi là dự án mang lại nhiều hữu ích cho nhân dân các xã “vùng trong” của huyện Con Cuông trong việc kết nối vùng miền, đảm bảo hạ tầng giao thông an toàn, thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm khởi động, Dự án đường giao thông từ thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn vẫn chưa thể hoàn thành đúng tiến độ, trong khi một số đoạn đã thi công đang xuống cấp.

 Người dân khốn khổ khi đi qua tuyến đường thị trấn Con Cuông - Bình Chuẩn
Người dân khốn khổ khi đi qua tuyến đường thị trấn Con Cuông - Bình Chuẩn

Thực hiện đề án phát triển hạ tầng giao thông miền núi, năm 2006, Dự án đường giao thông từ thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông được khởi công xây dựng với số vốn (cả điều chỉnh) lên đến gần 215,3 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Công trình do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư, với 4 gói thầu do các nhà thầu thi công gồm: Công ty cổ phần xây dựng Minh Ngân, Công ty TNHH Xuân Quỳnh, Công ty TNHH Trung Việt và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thăng Long.

Công trình được xây dựng là niềm mong ước ngàn đời của người dân khi thiết kế tuyến đường đi qua các xã: Bồng Khê, Mậu Đức, Đôn Phục và Bình Chuẩn với chiều dài toàn tuyến trên 28,8 km, đường cấp V miền núi.

Năm 2006, công trình được khởi công xây dựng nhưng được một thời gian ngắn, do khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn vốn và bất cập trong cách quản lý, điều hành của chủ đầu tư khiến nhiều gói thầu thi công theo tiến độ “rùa bò”.

Đường xuống cấp, hiểm trở qua nhiều cung đường dốc đèo ngoằn ngoèo, nhất là vào mùa mưa bão nên trong suốt gần 5 năm (từ 2006 - 2010), tuyến đường này luôn là nỗi kinh hoàng với những phương tiện đi vào các xã Đôn Phục, Bình Chuẩn. Đường thi công dang dở, bùn sục lầy lội dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; xe chở nông sản, keo, mét đều bị mắc lầy, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Con Cuông đã tập trung tháo gỡ, khắc phục về GPMB, thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để Dự án “khởi động” trở lại. Khi những khó khăn trước mắt được giải quyết thì vào thời điểm Chính phủ chủ trương cắt giảm đầu tư công, UBND tỉnh đã cho phép Dự án gia hạn hoàn thành trước ngày 30/9/2014.

Tuy nhiên hiện nay, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông, ngoài gói thầu số 1 (Km00+00 - Km10+00) và gói thầu số 4 (Km20+00 - Km28+83) đã hoàn thành thì gói thầu số 2 (Km10+00 - Km15+00) mới xây dựng xong phần nền, cống, cầu trên tuyến, móng mặt đường chưa thi công; gói thầu số 3 (Km15+00 - Km20+00) chưa xây dựng hết phần nền, cống trên tuyến.

Tại Văn bản số 3733 ngày 6/6/2013 của UBND tỉnh đã đồng ý cho phép UBND huyện Con Cuông giãn tiến độ thực hiện các hạng mục: Cầu Km10+348.65, móng, mặt đường, rãnh xây thoát nước và an toàn giao đoạn từ Km10+00 - K20+00 (trên địa phận 2 xã Đôn Phục và Bình Chuẩn) đến sau năm 2015 hoặc triển khai xây dựng khi đảm bảo đủ điều kiện về nguồn vốn.

Trao đổi về sự “bất thường” khi Dự án gần 1 thập kỷ chưa thể hoàn thành, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cho biết: Nguyên nhân của việc Dự án chưa thể hoàn thành theo kế hoạch là do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí đến năm 2015 cho Dự án đã hết nên không có kinh phí để triển khai tiếp các hạng mục còn lại; nhà thầu không tổ chức nghiệm thu khối lượng để hoàn ứng và tổ chức lập hồ sơ nghiệm thu quyết toán hoàn thành công trình.

Đến thời điểm này, huyện đã bố trí giải ngân cho các gói thầu được trên 138 tỉ đồng, số còn thiếu là trên 76,4 tỉ đồng và so với khối lượng xây lắp còn trên 11,4 tỉ đồng. Khó khăn lớn nhất là nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trên địa bàn quá lớn, nhưng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương đầu tư hàng năm đạt tỉ lệ quá thấp; hoặc không có, không bố trí vốn GPMB dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án chậm.

Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, huyện chỉ đạo thi công xong các hạng mục ách yếu, chủ yếu là cầu trên tuyến, các đoạn đường chưa được “nhựa hóa” thì tập trung làm nền đường để thông tuyến, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Xuân Thống

Các tin khác