(Congannghean.vn)-Qua con đường mòn lồi lõm tại bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, hàng trăm cây gỗ quý đang được “lâm tặc” ngày đêm vận chuyển ra khỏi rừng một cách công khai. Mặc dù Ban quản lý rừng huyện Con Cuông chỉ cách đó chừng 4 km, thế nhưng, cán bộ nơi đây vẫn chưa nắm được tình hình?
Một ngày đầu tháng 6/2016, chúng tôi có mặt tại bản Kẻ Tắt sau khi vượt qua những con đường lổm chổm đất đá trong thời tiết khắc nghiệt nơi miền Tây xứ Nghệ. Phải mất vài giờ đồng hồ “xâm nhập”, chúng tôi mới tiếp cận được nơi “lâm tặc” phá rừng.
Con đường vận chuyển gỗ của “lâm tặc” tạo thành những vết lõm kéo dài |
Từ bản Kẻ Tắt, trong vai người buôn gỗ, chúng tôi đi theo con đường mòn của bản Kẻ Tắt dẫn vào rừng sâu. Trên đường đi, chúng tôi gặp một vài người dân đang lượm củi. Họ cho biết: “Để vào được khe Tắt, các anh phải đi theo đường tắt của người dân kéo gỗ, chứ đi theo đường mòn thế này chắc phải mất một ngày may ra mới đến nơi đang khai thác gỗ”.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường nhỏ nằm ngay sau bản Kẻ Tắt. Trước mặt chúng tôi là con đường chỉ dành cho “lâm tặc”, mặt đường bị các khúc gỗ bào mòn thành một vết dài sâu khoảng 1 m; đi sâu vào rừng được một lúc thì bắt đầu xuất hiện những cây gỗ bị chặt hạ tập kết bên đường, trong đó có 2 cây táu vừa bị đốn bịt lại lối đi và những tấm ván đã được xẻ, xếp ngay ngắn chờ người đến kéo về.
Một cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ |
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp 1 “lâm tặc” đang dùng trâu kéo gỗ về bản, nhưng người này tỏ ra rất thân thiện. Khi chúng tôi đưa máy ảnh ra để tác nghiệp, biết là phóng viên, người này mới phân trần: “Mấy anh thông cảm, nhà em nghèo nên vào rừng kiếm ít gỗ về dựng nhà”.
Tiếp tục cuộc hành trình “xâm nhập” vào nơi các đối tượng khai thác gỗ, đi được khoảng gần 1 giờ, chúng tôi nghe tiếng máy cưa inh ỏi của “lâm tặc” đang xẻ gỗ rừng. Đi theo thứ tiếng đó, chúng tôi phát hiện nơi các đối tượng khai thác gỗ lậu. Tại đây, có hàng chục cây kích thước lớn đã bị khai thác, nhiều cây có đường kính gần 1 m đã bị đốn hạ, gỗ sau khi được xẻ xếp gọn vào một góc.
Khi phát hiện người lạ, các “lâm tặc” dừng tay và í ới gọi, thông báo cho nhau biết và lập tức rút vào rừng sâu, để lại những tấm gỗ đang xẻ dở, nằm chỏng chơ bên mép suối… Bên cạnh đó là những lán trại tạm bợ được dựng lên để phục vụ việc ăn ở của “lâm tặc,” bên trong bát đũa, chăn màn, thuốc lá… vứt ngổn ngang.
Gỗ và lán trại của “lâm tặc” bên bờ suối |
Sau khi ghi nhận thực tế trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Thái Minh Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông. Ông Hiệp cho biết: “Tình trạng khai thác gỗ trên địa bàn xã Thạch Ngàn đã diễn ra nhiều năm nay. Các đối tượng khai thác gỗ hầu hết là người dân địa phương, mục đích là xây dựng nhà ở”.
Ông Hiệp cho biết thêm: “Đơn vị cũng đã có kế hoạch giao nhiệm vụ bảo vệ rừng cho trạm kiểm lâm đóng trên địa bàn xã Thạch Ngàn. Từ đầu năm 2016, qua nhiều lần tuần tra, chúng tôi đã xử lý 2 trường hợp vận chuyển gỗ lậu với tổng khối lượng hơn 3 m3. Về việc “lâm tặc” phá rừng Kẻ Tắt, chúng tôi chưa nắm được vì địa bàn xã Thạch Ngàn tương đối rộng, hơn nữa có thể địa điểm các đối tượng khai thác thuộc khu vực rừng phòng hộ. Chúng tôi sẽ trực tiếp đi kiểm tra”.
Dư luận cho rằng, với thực trạng khai thác gỗ trái phép đang diễn ra tràn lan như chúng tôi đã chứng kiến nhưng cơ quan chức năng chỉ phát hiện, xử lý 2 vụ việc với khối lượng gỗ chỉ vài m3 là quá ít. Sau gần 3 ngày “bám trụ” tại đất rừng khe Tắt, điều chúng tôi ghi nhận được là việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại bản Kẻ Tắt đã diễn ra trong một thời gian khá dài.
Điều ngạc nhiên hơn là trong thời gian đó, không thấy bóng dáng cán bộ chức năng nào đi tuần tra bảo vệ rừng. Trong khi đó, Ban quản lý rừng phòng hộ và kiểm lâm nằm cách bản Kẻ Tắt chưa đầy 4 km.
Trước thực trạng trên, đề nghị các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý rừng nơi đây, nhằm tránh gây thất thoát nguồn tài nguyên rừng và những hệ lụy về sau.