Pháp luật

Gian nan cuộc chiến chống tội phạm mua bán người (Bài 2)

09:01, 06/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Tiềm ẩn gia tăng tội phạm mua bán người

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Nghệ An có nhiều diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, đặc biệt là lực lượng chức năng đã chung tay vào cuộc, một mặt đấu tranh quyết liệt nhằm giảm thiểu số vụ lừa bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn; đồng thời tăng cường tuyên truyền giúp người dân nhận diện thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để chủ động phòng ngừa có hiệu quả.

Bài 2: Cam go cuộc chiến “không tiếng súng”

Cơ quan chức năng lấy lời khai của đối tượng trong đường dây mua bán người
Cơ quan chức năng lấy lời khai của đối tượng trong đường dây mua bán người

Không manh động, liều lĩnh và thường trang bị vũ khí “nóng” như tội phạm ma tuý hay các loại tội phạm hình sự khác, tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em thường “hoạt động” âm thầm nhưng lại hết sức tinh vi, xảo quyệt. Chúng thường dùng “viên đạn bọc đường” để dụ dỗ, lôi kéo rồi lừa bán các nạn nhân nhẹ dạ cả tin.

Trên thực tế, một bộ phận lớn trong số đó dù bị lừa nhưng sau khi may mắn thoát khỏi mạng lưới của bọn buôn người đã không dám trình báo, làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng. Điều này khiến công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hệ luỵ của nó càng thêm đeo đẳng…

Nhận diện hoạt động của tội phạm mua bán người

Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm này vẫn còn nhiều gian nan.

Trước đây, nạn mua bán người xảy ra tại Nghệ An hầu hết đều do số đối tượng ở các tỉnh sát biên giới hoặc những người làm ăn ở Trung Quốc đến địa phương móc nối với các đối tượng sở tại để lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em rồi đem bán. Thậm chí, có đối tượng còn nhẫn tâm lừa bán cả người thân trong gia đình để lấy tiền tiêu xài.

Nhiều nạn nhân sau khi biết bị bán đòi về đã bị đối tượng khống chế bằng cách buộc phải thanh toán ngay các khoản tiền “mồi chài” mà chúng đã bỏ ra hoặc sử dụng vũ lực, làm cho nạn nhân tê liệt sức kháng cự.

Có trường hợp nạn nhân sau khi trốn thoát về địa phương, đối tượng buôn người biết được đã giả vờ xin lỗi và mời đi du lịch để tiếp tục lừa bán. Nạn nhân sau khi được giải cứu trở về hoặc tự tìm cách trở về nhà đa số đều mang tâm lý mặc cảm, sợ hãi nên không dám làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, nạn buôn người diễn biến phức tạp hơn. Theo đó, một số người trước đây bị bán làm vợ cùng với những người bị bán vào các “động quỷ” ở Trung Quốc được các đối tượng mua bán người tin tưởng, xúi giục đã trở về địa phương lôi kéo, lừa phỉnh nhiều phụ nữ, trẻ em quen biết rồi đem bán. Chính vì thế, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn các vụ mua bán người.

Mặt khác, các đối tượng buôn người thường hình thành các đường dây với tổ chức khá chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi người, dẫn đến việc người bị hại không phát hiện ra mình bị lừa bán hoặc khi phát hiện ra cũng không biết địa chỉ của bọn chúng để khai báo. Vì vậy, quá trình điều tra, lực lượng chức năng khó tìm ra chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bọn buôn người.

Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội thường hoạt động khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài. Do đó, khi phát hiện tội phạm, việc tổ chức bắt giữ, xử lý khó thực hiện và thường kéo dài, tốn nhiều công sức và tiền của.

Gian nan hành trình phá án

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Công an Nghệ An trong suốt thời gian qua, nạn buôn người trên địa bàn tỉnh đã và đang được “hạ nhiệt”.

Đại tá Phạm Hoài Nam, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết:  Trong 5 năm qua, cơ quan CSĐT đã khởi tố điều tra 63 vụ, 132 bị can. Qua đấu tranh, khai thác, chúng khai nhận đã tham gia lừa bán 121 phụ nữ, trẻ em. Từ lời khai trên, Công an tỉnh đã phát hiện, triệt xóa 7 đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em từ các huyện miền núi Nghệ An sang Trung Quốc.

Điển hình là Chuyên án  mang bí số 340L. Theo đó, ngày 6/1/2015, Đồn Biên phòng Tri Lễ (Quế Phong) phối hợp với Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an huyện Quế Phong, Trạm CSGT Diễn Châu bắt giữ 3 đối tượng về hành vi đưa người sang Trung Quốc bán, giải cứu thành công 3 nạn nhân trú tại xã Tri  Lễ,  huyện Quế Phong.

Trước đó 1 năm, ngày 6/1/2014, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh phá thành công Chuyên án 114N, bắt 3 đối tượng: Lô Thị Phương Xa (SN 1992) trú tại xã Tam Bông, Ngân Thị Thông (SN 1979) trú tại xã Tam Quang, cùng huyện Tương Dương và Trần Diễn Thương (SN 1976) trú tại  phường Hưng Dũng, TP Vinh. Qua đấu tranh, các đối tượng khai đã thực hiện 3 vụ mua bán người và đưa trót lọt 5 nạn nhân sang Trung Quốc bán với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Những chuyên án trên là một trong nhiều chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh trên mặt trận “không tiếng súng” nhưng không kém phần cam go, gian khổ này.

Ngoài số nạn nhân được xác định bị lừa bán, tại các bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa hàng năm còn có nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương, nghi bị bán. Số người này phần lớn ở tuổi trưởng thành, không muốn quanh năm vất vả, lam lũ trên nương rẫy đã bỏ nhà đi để tìm cơ hội đổi đời. Đa số những người này nghi bị đưa sang Trung Quốc để bán làm vợ bất hợp pháp hoặc hành nghề mại dâm.

Thiếu tá Lê Thanh Hải, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát Hình sự - một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm trên mặt trấn đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người cho biết: Việc phát hiện tội phạm mua bán người đã khó, hành trình chứng minh quá trình phạm tội của chúng lại càng khó khăn gấp bội.

Khi thực hiện hành vi, chúng thường che đậy nhân thân bằng tên, địa chỉ, nơi ở khác nên khi nạn nhân tố giác, vì thông tin sai lệch với thực tế nên quá trình đấu tranh, xác minh gặp rất nhiều khó khăn.

Phần lớn thời gian của các trinh sát trên mặt trận đấu tranh với tội phạm mua bán người là “nằm vùng” ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới rẻo cao, những nơi trọng điểm, phức tạp về nạn mua bán người.

Họ không đợi nạn nhân trốn thoát đến trình báo mới vào cuộc mà từ công tác nắm tình hình, chỉ cần phát hiện manh mối nhỏ nhất liên quan đến mua bán người, các anh đã nhanh chóng bắt tay vào hành trình bắt giữ các đối tượng và giải cứu nạn nhân. Hành trình truy tìm thủ phạm vốn gian nan, vất vả; nhiệm vụ giải cứu thành công các nạn nhân trở về an toàn còn khó khăn hơn rất nhiều.

Thiếu tá Hải cho biết thêm: Dù lực lượng mỏng, nguồn kinh phí eo hẹp nhưng hầu hết các chuyên án, anh em phải lăn lộn khắp các địa bàn nhiều tháng ròng rã mới khám phá thành công. Chỉ số ít trong đó mới may mắn bắt giữ được đối tượng trên đường dẫn nạn nhân đi bán. Còn hầu hết các chuyên án liên quan đến mua bán người, hành trình giải cứu tốn rất nhiều công sức bởi các anh phải toả đi khắp các tỉnh trong cả nước để tìm kiếm, thậm chí phối hợp với cảnh sát quốc tế thì mới tìm thấy và đưa nạn nhân trở về.

Gian nan, vất vả là thế, nhưng với những điều tra viên, trinh sát hình sự trên mặt trận đấu tranh với tội phạm mua bán người, những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày trở về đoàn tụ với gia đình của các nạn nhân bị lừa bán được các anh giải cứu chính là phần thưởng, niềm vui, nguồn động lực tinh thần to lớn để các anh cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi tội phạm mua bán người trên địa bàn.

(Còn nữa)

Bài 3: Cộng đồng chung tay  đẩy lùi tội phạm mua bán người

Hải Việt

Các tin khác