Pháp luật
Mạnh tay với khai thác đất 'chui'
(Congannghean.vn)-Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hiện nay, đặc biệt là tại các xã bán sơn địa, tình trạng khai thác đất “chui” núp bóng nhiều hình thức như san ủi nền nhà, xây dựng nông thôn mới đang diễn ra khá nhức nhối. Công an huyện đã nhiều lần ra quân xử phạt, song tình trạng này vẫn tái diễn và có chiều hướng gia tăng.
Theo số liệu của Công an huyện Quỳnh Lưu, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt 11 vụ, 12 đối tượng về hành vi khai thác tài nguyên (đất) trái phép và các vi phạm khác về môi trường; tạm giữ 10 máy xúc, 10 ôtô tải, thu 4.000 lít dầu thải để xử lý hành chính theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn nạn khai thác đất “chui” vẫn diễn ra hàng ngày.
Một quả đồi bị khai thác nham nhở, trái phép tại xã Quỳnh Tân |
Đơn cử, tại khu vực đồi bãi Xại, thuộc xóm 14, xã Quỳnh Lâm thời gian gần đây, một số cá nhân trên địa bàn đã tự ý đưa máy móc đến khai thác đất để đưa đi bán. Điều đáng nói, đây là khu vực thuộc quyền quản lý của UBND xã.
Theo phản ánh của bà con, người có xe thường xuyên chở đất đi bán là ông Phạm Văn Nam, một người dân xóm 14, xã Quỳnh Lâm và mỗi chuyến như vậy được bán với giá 300.000 đồng. Dù đã xử lý nhiều lần song việc khai thác đất vẫn tái diễn.
Tình trạng này cũng xảy ra ở các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng và Tân Thắng. Theo đó, nhiều quả đồi, khu rừng chưa được cấp phép khai thác nhưng đã bị chặt phá, san múc nham nhở. Thậm chí, tại núi Lạp Sơn ở xã Quỳnh Văn, nơi được ví là một trong 7 ngọn núi đẹp của huyện, có di chỉ văn hóa cấp quốc gia Cồn Điệp, nhiều năm qua, một số người dân đã lợi dụng việc xây dựng nhà cửa, cơi nới đường đi để thuê máy múc đào sâu vào tận chân núi.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Chu Văn Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự - Kinh tế - Ma túy và Môi trường Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết: Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã được cụ thể hóa tại Nghị định 142/2013 của Chính phủ, tuy nhiên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Đất đai là tài nguyên thông thường, hiện nhiều gia đình cải tạo đất rừng 50 năm, quá trình san ủi theo quy định phải có bãi thải nhưng thực tế lại không có. Trong khi đó, nhu cầu về đất của các dự án xây dựng khá lớn dẫn đến tình trạng mua bán đất “chui”. Theo quy định, cơ quan chức năng chỉ bắt và xử lý được chủ vườn chứ không thể xử phạt người mua.
Cũng theo Trung tá Cường, việc san lấp lấy đất làm nền nhà hay xây dựng nông thôn mới, kênh mương nội đồng... về nguyên tắc phải trình UBND tỉnh ký mới được phép nhưng trên thực tế hoàn toàn chưa được chấp thuận, do vậy đã gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.
Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Hiện, trên địa bàn huyện chỉ có 2 mỏ được cấp phép khai thác đất. Do nhu cầu san lấp mặt bằng khá lớn nên một số người dân đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền xã để khai thác trộm đất rồi đem bán. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ban, ngành và chính quyền các xã liên quan thắt chặt quản lý để tránh tình trạng khai thác đất “chui” tràn lan như hiện nay.
Thiên Thảo