Pháp luật

Vì sao 23 mỏ cát, sỏi trái phép ở Thanh Chương, Nghệ An vẫn hoạt động?

14:25, 30/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chủ trương của huyện là muốn tập trung về một đầu mối, vừa để quản lý trong quá trình hoạt động, vừa tránh tình trạng khai thác tràn lan, bừa bãi và trái phép như hiện nay. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, nhiều ý kiến trái chiều từ phía các sở, ngành đã khiến việc cấp phép các bến cát, sỏi trên địa bàn chưa thực hiện được. Do vậy, đến thời điểm này, tại 23 mỏ cát, sỏi vẫn diễn ra tình trạng khai thác trái phép thường xuyên.

23 mỏ cát, sỏi trái phép ngang nhiên hoạt động

Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù huyện Thanh Chương chỉ có sông Lam và sông Giăng chảy qua, với chiều dài khoảng 48 km nhưng trữ lượng cát, sỏi trên địa bàn rất lớn.

Một điểm khai thác cát, sỏi nằm trong quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt
Một điểm khai thác cát, sỏi nằm trong quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Lực lượng chính tham gia khai thác cát, sỏi chủ yếu là bà con nhân dân vạn chài không có đất đai để sinh sống và canh tác.

Ngoài ra, hiện trên địa bàn có 3 tổ chức tham gia vào hoạt động khai thác cát, sỏi đã được cấp phép nhưng đến nay vẫn chưa được Sở Tài nguyên - Môi trường bàn giao mỏ tại các thực địa nên có thể khẳng định, việc khai thác cát, sỏi là hoàn toàn trái phép.

Trước tình hình đó, huyện Thanh Chương đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Cùng với việc siết chặt công tác quản lý, trong thời gian vừa qua, huyện đã mạnh tay xử phạt các trường hợp vi phạm.

Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND huyện đã tiếp nhận và xử lý 4 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt và nộp kho bạc số tiền 32 triệu đồng. Qua đó, phát hiện 6 trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép; tạm giữ 6 thuyền. Ông Thanh thừa nhận, hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn còn một số trường hợp lén lút khai thác cát, sỏi trái phép.

Trước tình trạng đó, tháng 3/2016, Công ty CP khai thác sỏi và Vận tải Thanh Chương (gọi tắt tà Công ty cát, sỏi Thanh Chương, trụ sở tại khối 11, thị trấn Dùng) đã có tờ trình xin được đầu tư các dự án xây dựng các bến, bãi tập kết kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Chương.

Cụ thể, địa điểm mà Công ty cát, sỏi Thanh Chương đề xuất lập bến gồm các xã: Thanh Hưng, Thanh An, Cát Văn, Thanh Văn, Võ Liệt, Thanh Hà, Thanh Liên, Thanh Ngọc, Thanh Tiên, Phong Thịnh và Ngọc Sơn. Tại các điểm này, đến thời điểm hiện nay đã đầu tư xây dựng một phần bãi, nhà điều hành cấp 4, lắp dựng các cẩu xúc, gàu ngoạm để múc cát. Tại các bãi này cũng đang diễn ra hoạt động kinh doanh, khai thác cát.

Có gây khó dễ trong việc cấp phép khai thác cát, sỏi?

Tuy nhiên, sau khi khảo sát tại các địa điểm này, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường chưa chấp thuận với chủ trương trên. Sở Xây dựng cho rằng, trong các bãi đề xuất cấp phép này, có một số bãi đầu tư manh mún, gần khu dân cư, có thể gây sạt lở.

Tại Công văn số 847 ngày 4/5/2016 của Sở Xây dựng nêu rõ: “Hiện, các bãi nêu trên chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép sử dụng đất và cấp phép hoạt động kinh doanh. Do đó, chủ đầu tư cũng chưa được phép khai thác cát, sỏi xây dựng. Việc các bến nêu trên ngang nhiên khai thác và kinh doanh cát, sỏi khi chưa được sự cho phép của chính quyền là hoạt động trái phép. Trách nhiệm buông lỏng quản lý, trước hết là của chính quyền địa phương”.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên - Môi trường yêu cầu phải có bãi mới cấp bến hoặc có bến mới cấp bãi. Tuy nhiên, sau khi thấy không phù hợp, Sở đã yêu cầu phải có 100% ý kiến tại khu dân cư đồng ý cho mở bến, bãi thì mới cấp phép.

Về yêu cầu này, theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có khả năng chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản là việc làm gần như không thể, bởi họ là những người không được hưởng lợi trực tiếp.

Trong khi đó, yêu cầu cấp phép liên quan đến bến và bãi, theo ông Thanh việc cấp phép làm mỏ cát, sỏi xây dựng thông thường không có yếu tố ràng buộc với việc thuê đất làm bến bãi tập kết. Do đó, có trường hợp dù được cấp mỏ nhưng lại không có vị trí để làm bến, bãi để hoạt động. Ngược lại, có những bến, bãi đã tồn tại từ lâu nhưng không đủ năng lực tài chính và năng lực cấp phép nên dẫn đến tình trạng bến bãi hoạt động trái phép.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Định, Giám đốc Công ty cát, sỏi Thanh Chương cho rằng, tất cả các địa điểm mà Công ty đề nghị khảo sát, lập bến, bãi đều nằm trong quy hoạch của chính quyền cấp xã và được UBND huyện Thanh Chương đề nghị quy hoạch làm bãi tập kết cát, sỏi thông thường đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, điểm tại xã Ngọc Sơn, trước đó, Sở Xây dựng đã có văn bản đồng ý đề xuất UBND tỉnh cho phép khảo sát mở bãi tập kết vật liệu xây dựng.

Theo ông Định, hiện Công ty có trên 600 lao động là con em thương, bệnh binh. Việc Công ty xin phép mở các bến, bãi đã làm đúng trình tự hướng dẫn của cơ quan chức năng, mục đích chính là để tạo việc làm cho hàng trăm con em lao động nghèo. Do vậy, việc cơ quan chức năng gây khó dễ trong cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty đã khiến công việc bị ngưng trệ, nhiều lao động không có việc làm và để mưu sinh, họ buộc phải lén lút khai thác cát dù biết rằng, việc này là vi phạm pháp luật.

Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 quy định: Dự án bến, bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc loại hình bến thủy nội địa. Hiện, Sở GTVT Nghệ An đang tổ chức rà soát và tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường thủy nội địa toàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5647 ngày 14/8/2015.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 23 bến cát, sỏi đều hoạt động không phép. 12 mỏ nằm trong đề xuất khảo sát, cấp phép đều thuộc Công ty cát, sỏi Thanh Chương quản lý.

 

Thiện Thành

Các tin khác