Pháp luật
Thêm vụ vỡ 'tín dụng đen' tại huyện Đô Lương, Nghệ An
(Congannghean.vn)-Tin tưởng nghe theo lời hứa hão khi được hưởng mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất trần của ngân hàng, nhiều người đã mang tiền cho vay, thậm chí có người còn huy động tiền của anh em, bà con, bạn bè thân thiết để nướng vào “tín dụng đen”. Đến lúc vỡ nợ, nhiều người mới tỉnh ngộ nhưng số tiền cho vay đã không có khả năng thu hồi vốn, khiến cả xã nghèo nháo nhác, xôn xao.
Quê nghèo xác xơ vì vụ vỡ nợ tiền tỉ
Những ngày vừa qua, hàng chục hộ dân ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương thất thần, nháo nhác, lo âu và hoang mang khi mang hàng trăm triệu đồng cho Trần Thị Hà (SN 1970) trú tại xóm 10, xã Trù Sơn vay nhưng đến nay khó có khả năng thu hồi nợ.
Giấy vay tiền của Trần Thị Hà |
Nỗi âu lo ngày càng hiện hữu khi mới đây, Hà bị cơ quan Công an triệu tập và bước đầu, đối tượng này thừa nhận đã vay của các hộ dân hơn 3 tỉ đồng. Ngoài ra, các giấy nhận nợ còn thể hiện, Hà đã vay mượn các chủ nợ khác hơn 4 tỉ đồng nhưng đến nay không có khả năng hoàn trả.
Thượng tá Thái Khắc Thống, Trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết, hiện nay, cơ quan CSĐT Công an huyện đã nhận được đơn tố cáo của nhiều nạn nhân trong vụ việc Trần Thị Hà vỡ nợ và đang trong quá trình điều tra, làm rõ.
Theo tố cáo của bà Đào Thị Hương, trú tại xóm 11, xã Trù Sơn, cách đây nửa năm, nghe theo lời tỉ tê của Trần Thị Hà, bà Hương đã “vét sạch” tiền tiết kiệm trong suốt nhiều năm để cho đối tượng này vay số tiền 300 triệu đồng.
Vốn là chỗ quen biết, lại được Hà trả lãi cao ngất ngưởng và trả lãi cả năm nên bà Hương rất an tâm, cho vay tiền nhưng không làm bất cứ thủ tục gì ngoài tờ giấy nhận nợ của Hà, trong đó ghi rõ thời gian trả là khi nào khổ chủ cần tiền, chỉ cần báo trước từ 3 - 5 ngày sẽ hoàn vốn đầy đủ. “Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, tôi đã nhiều lần đến đòi lại tiền gốc nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được đồng nào”, bà Hương buồn bã cho biết.
Tương tự, bà Trần Thị Diệu (SN 1971) trú tại xóm 11, cùng xã Trù Sơn cho biết: Thông qua các mối quan hệ, bà Diệu đã nhiều lần cho Trần Thị Hà vay số tiền 474.378.000 đồng.
Đầu tháng 1/2016 âm lịch, do cần tiền để giải quyết công việc cho con cái, bà đã nhiều lần đòi lại nhưng vợ chồng Hà khất lần, bảo chờ bán đất, bán nhà sẽ trả. Tuy nhiên, đến nay đã sang nhượng hai vùng đất ở và nhà cửa cho hai người em rể, còn vợ chồng Hà vẫn tiếp tục xây nhà tại vùng đất mới mua ở xóm 10, xã Trù Sơn. Không những không chịu trả nợ, hai vợ chồng còn thách thức pháp luật khi tuyên bố, những ai làm đơn tố giác thì sẽ không trả nợ.
Ông Đặng Văn Hạnh, Phó trưởng Công an xã Trù Sơn cho biết: Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng tại xã Trù Sơn đã nhận được tổng cộng 14 đơn tố giác của các hộ dân trong xã, tố cáo Trần Thị Hà vay số tiền khoảng 3 tỉ đồng.
Theo thống kê từ đơn thư và qua các buổi làm việc với nạn nhân, Công an xã Trù Sơn nhận định, nạn nhân của Hà đủ mọi thành phần, tầng lớp và phần lớn là quen biết với con nợ.
Trong đó, riêng địa bàn xã Trù Sơn, người cho vay nhiều nhất khoảng hơn 474 triệu đồng, người ít nhất khoảng 20 triệu đồng. Các hộ dân cho Hà vay tiền đều được hứa hẹn trả mức lãi suất hấp dẫn là 2%/tháng và hoạt động này bắt đầu từ năm 2014. Gần đây nhất là khoảng 1 - 2 tháng trước, vẫn có người cả tin mang tiền cho Trần Thị Hà vay.
Sập bẫy lừa vì lãi suất cao
Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của các hộ dân, UBND xã Trù Sơn đã tiến hành giải quyết đơn thư và tổ chức hai buổi hòa giải. Tuy nhiên, phải đến lần triệu tập thứ hai vào ngày 1/4, Hà mới đến trình diện và thừa nhận hoạt động huy động vốn trái pháp luật của mình.
Đối tượng Trần Thị Hà bị cơ quan chức năng triệu tập |
Cũng tại buổi hòa giải này, nhiều hộ dân khác tại các xã như Đại Sơn, Hiến Sơn cũng có đơn tố giác Hà đang vay nợ với số tiền khoảng 4,2 tỉ đồng nhưng đến nay không có khả năng trả nợ.
Sau buổi hòa giải, UBND xã Trù Sơn giao hẹn trong 10 ngày Trần Thị Hà phải giải quyết xong. Tuy nhiên sau thời gian trên, sự việc vẫn không có biến chuyển nên hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Đô Lương thụ lý, giải quyết.
Tại cơ quan Công an, sau khi được triệu tập để giải quyết các vấn đề liên quan, Trần Thị Hà thừa nhận vay nợ của nhiều người, với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày, sau đó cho người khác vay lại với lãi suất từ 1.700 - 2.000 đồng/triệu/ngày để hưởng lãi suất chênh lệch. Tuy nhiên, sau một thời gian, những người mà Hà cho vay với số lượng lớn (từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng) đã “cao chạy xa bay” khiến Hà rơi vào tình cảnh khốn đốn, không có khả năng trả nợ cho người khác.
Người phụ nữ này thừa nhận, hiện đang nợ người dân số tiền khoảng 3 tỉ đồng và đã nhận trước khoảng 100 phường, hụi với hơn 4 tỉ đồng để cho 15 người khác vay, nhưng đến nay chưa đòi lại được.
Bản chất của vụ việc vỡ nợ do Trần Thị Hà tổ chức gom tiền trong nhân dân, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất là vỡ phường hụi và đây không phải là lần đầu tiên, tình trạng này xảy ra trên địa bàn huyện Đô Lương.
Trước đó, vào tháng 7/2015, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Trang (SN 1970) trú tại xã Giang Sơn Đông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 8,3 tỉ đồng.
Cũng trên địa bàn huyện Đô Lương, Nguyễn Thị Loan (SN 1975) trú tại xóm 8, xã Tân Sơn cũng đã phải “xộ khám” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 31 hộ dân trên địa bàn với tổng số tiền 23,9 tỉ đồng.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Nghệ An cho thấy, trong thời gian từ năm 2012 - 2015, toàn tỉnh xảy ra 154 vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi; có 14/21 huyện, thành, thị liên quan đến “tín dụng đen” với số tiền thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng.
Thiên Thảo