Pháp luật
Mạnh tay hơn với nạn buôn lậu, hàng giả
(Congannghean.vn)-Các vụ việc sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng “nhái”, hàng lậu và các hành vi gian lận thương mại luôn là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389) của tỉnh Nghệ An đã đấu tranh quyết liệt với vấn nạn này.
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an bắt giữ phương tiện vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Xác định tuyên truyền là một giải pháp quan trọng, góp phần tích cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngay từ đầu năm 2016, BCĐ 389 đã xây dựng kế hoạch cũng như ban hành các công văn, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh và đài phát thanh - truyền hình địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo đánh giá của BCĐ 389, công tác tuyên truyền đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, mà thông qua nguồn tin báo của nhân dân, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn, bắt quả tang các đối tượng vi phạm.
Trong quý I/2016, ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát, việc làm tốt công tác tuyên truyền tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Ngoài ra, BCĐ 389 còn đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó đạt được những kết quả khả quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây cũng là hành động thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cụ thể, trong quý I/ 2016, BCĐ 389 đã xử lý 2.931 vụ việc liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 2.072 trường hợp, xử lý 1.744 vụ, gồm: 67 vụ buôn lậu, hàng cấm; 28 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 86 vụ gian lận thương mại; 1.505 vụ vi phạm các quy định của pháp luật trong kinh doanh và 56 vụ vi phạm VSATTP.
Xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm
Hiện nay, tình hình buôn lậu, mua bán hàng cấm, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hoạt động kinh doanh trái phép vẫn còn diễn biến khá phức tạp.
Các nguồn hàng nhập lậu thường được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) vào địa bàn tiêu thụ. Phần lớn các mặt hàng nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy, BCĐ 389 cùng các cơ quan liên quan tăng cường, huy động tất cả nguồn lực mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Song song với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp đấu tranh chống các hành vi trên.
Lực lượng Quản lý thị trường chủ động làm tốt công tác dự báo tình hình, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý; duy trì phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan tăng cường kiểm soát chống tình trạng đầu cơ, “găm” hàng, nâng giá và kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng. Chống các hành vi loan tin bịa đặt không có cơ sở để tăng giá, kiểm tra các biểu hiện liên kết chiếm lĩnh vị trí độc quyền để tăng giá, ép giá.
Vận động nhân dân và doanh nghiệp không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng giả và gian lận thương mại, nhất là ở các tỉnh biên giới.
Cùng với đó, BCĐ 389 của tỉnh thực hiện kế hoạch kiểm tra cao điểm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; qua đó ngăn chặn các hành vi lợi dụng sơ hở, kẽ hở của pháp luật để đưa hàng lậu, hàng “nhái”, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường tiêu thụ.
Cao Loan