(Congannghean.vn)-Xác định công tác tiếp dân, đôn đốc, giám sát tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời giữ vững ANTT trên địa bàn. Những năm qua, Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành phố đã chú trọng tới việc rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động để từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Cán bộ Thanh tra tỉnh tiếp nhận đơn tố cáo của người dân |
Thời gian qua, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo về trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu quy định của pháp luật. Công tác đối thoại được đặc biệt chú trọng, đảm bảo tính dân chủ, công khai. Việc áp dụng chế độ chính sách trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chính xác, hợp lý.
Đặc biệt, hoạt động tiếp công dân trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là các vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Theo thống kê, trong quý I/2016, toàn tỉnh đã tiếp 1.043 lượt, với 791 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 36,8% lượt so với năm 2014). Trong đó, trụ sở tiếp công dân của tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh có 255 lượt; các huyện, xã tiếp 788 lượt. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Đất đai; đền bù nhà cửa, tài sản; chế độ chính sách; bồi thường tái định cư.
Theo đó, tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp là 82 vụ việc. Đến nay, các cấp, ngành đã giải quyết được 60/82 vụ việc (đạt 93,8%). Trong quý I/2016, toàn tỉnh đã giải quyết được 45/60 đơn khiếu nại, 15/22 vụ tố cáo. Thông qua công tác tiếp công dân, đã giải quyết, xử lý dứt điểm nhiều vấn đề phức tạp.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành 56 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo tại 359 đơn vị. Qua thanh, kiểm tra, phát hiện 179 đơn vị vi phạm với số tiền 7.821 triệu đồng.
Thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua cho thấy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như: Cán bộ phụ trách công tác này tại nhiều địa phương chưa có đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc hòa giải ở cơ sở, dẫn đến hiệu quả làm việc chưa cao.
Tại một số địa phương, việc tiếp công dân chưa đảm bảo đúng quy định, chưa gắn công tác tiếp dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Một số vụ việc giải quyết còn chậm, dẫn đến tình trạng công dân gửi đơn hoặc đến trụ sở tiếp công dân nhiều lần, vượt cấp.
Một số vụ việc khi kết luận chứng cứ còn thiếu chính xác hoặc chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến xử lý dứt điểm vụ việc.
Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý về tố cáo ở một số nơi còn chậm. Công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; dẫn đến kết quả, hiệu quả giải quyết chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở một số nơi còn thiếu quyết liệt, có trường hợp còn có tâm lý ngại va chạm, né tránh.
Việc lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; chưa bố trí được cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, năng lực làm công tác tiếp dân nên việc giải thích các chính sách, quy định của pháp luật, tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế; một số người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật song cố tình không chấp hành.
Để công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo của công dân mang lại hiệu quả cao hơn, Thanh tra tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác thanh tra trách nhiệm đối với giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần lồng ghép việc phổ biến, tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó giúp công dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo về mặt thời gian, kết luận rõ ràng, giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng tập trung tham mưu tích cực, chất lượng, giúp Chủ tịch UBND các cấp kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài để hạn chế đến mức thấp nhất các tình huống phức tạp nảy sinh; góp phần đảm bảo ANTT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn toàn tỉnh.