(Congannghean.vn)-Bộ Công an - Viện KSND tối cao - TAND tối cao và Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (gọi tắt là Thông tư 08 - P.V) nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét xử hàng nghìn vụ án ma túy tồn đọng trong thời gian qua.
Theo đó, Thông tư 08 (có hiệu lực từ ngày 30/12/2015) sửa đổi, bổ sung một số điểm của TTLT số 17/2007/TTLT, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII: “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Công an huyện Hưng Nguyên và các đơn vị chức năng mở niêm phong, giám định tang vật trong một chuyên án ma túy |
Trước đó, TTLT số 17/2007 quy định, trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng. Tuy nhiên, quá trình xét xử, TAND tối cao nhận thấy còn nhiều trường hợp Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là ma túy để kết tội các bị cáo mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được đó.
Điều này đồng nghĩa với việc không áp dụng đúng quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của liên ngành, dẫn đến hậu quả có thể xảy ra tình trạng oan, sai trong xét xử. Do vậy, ngày 17/9/2014, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 234 quy định: “Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng trong các chất thu giữ nghi là ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo”. Từ khi Công văn số 234/2014 có hiệu lực, việc giải quyết án ma túy bị “ách tắc” và gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị cho biết, từ khi Công văn này có hiệu lực, Tòa án phải trả hồ sơ của rất nhiều vụ án ma túy để yêu cầu giám định hàm lượng mặc dù biết rõ là không còn mẫu tang vật để tiến hành giám định.
Từ ngày 30/12/2015, Thông tư 08 có hiệu lực đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên và giúp giải quyết hàng nghìn vụ án ma túy tồn đọng trên cả nước. Theo đó, điểm đáng lưu ý của Thông tư này là chỉ trưng cầu giám định hàm lượng bắt buộc đối với 4 trường hợp cụ thể, gồm: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ngoài 4 trường hợp này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để đảm bảo việc xét xử đúng quy định của pháp luật.
Thông tư 08 cũng quy định: Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì tùy hành vi phạm tội cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự của người đó theo tội danh quy định tại Khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.
Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng đó là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi... thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này. Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng.
Như vậy, Thông tư 08 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xét xử các vụ án ma túy tồn đọng; thúc đẩy công tác điều tra, truy tố và xét xử đúng thời hạn, đảm bảo quyền lợi của người phạm tội.