Pháp luật
Chính quyền xã buông lỏng công tác quản lý
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tại một số địa phương diễn ra tình trạng khai thác đất “chui” khi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép một cách tràn lan đã gây ra nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch, thất thoát thuế, ô nhiễm môi trường, phá hỏng hệ thống hạ tầng giao thông. Đã đến lúc chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai.
“Đuổi” chỗ này, “chạy” chỗ khác!
Trong mấy tháng nay, tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhiều người dân rất bất bình trước tình trạng một số cá nhân, tổ chức đứng ra tập kết phương tiện, máy móc để múc đất sau đó vận chuyển, bán ra địa bàn gây nên tình trạng lộn xộn, tác động đến cuộc sống của người dân cũng như ảnh hưởng tới môi trường.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực xóm Đức Liên, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thời gian gần đây, chủ phương tiện là ông Phan Văn Trường đang tổ chức múc, san lấp đất trái phép. Đất được vận chuyển lên xe, chở ra đoạn giáp ranh với xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nhưng không được che chắn nên đã để rơi vãi, gây phiền toái cho người đi đường.
Tổ chức múc đất trái phép tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An |
Ngày 28/10, qua làm việc với UBND xã Đức Thành, ông Hà Huy Công, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đúng là trên địa bàn xã đang tồn tại tình trạng một số cá nhân, tổ chức khai thác đất trái phép khi chưa được các cấp đồng ý. Hiện ở xã có 5 máy múc, 30 ôtô tải tổ chức vận chuyển. Riêng trường hợp của ông Phan Văn Trường, xã đã nắm được thông tin và ngày 27/10, đã thành lập đoàn kiểm tra thực địa.
Qua kiểm tra, phát hiện việc khai thác đất là có thật, sau đó, xã đã lập biên bản sự việc. Về phía chủ hộ lại cho rằng, việc làm trên là nhằm mục đích cải tạo, bình chỉnh đất đai. Để minh chứng cho việc này, Chủ tịch UBND xã trình ra văn bản cách đây hơn 2 tháng (vào thời điểm 15 giờ 50 phút ngày 11/8 - P.V), đồng nghĩa với việc tình trạng khai thác đất “chui” đã diễn ra trong thời gian dài.
“Đây là báo cáo của đoàn do cán bộ địa chính xã báo lên khi ông Trường khai thác đất tại hộ ông Phan Văn Tư. Còn khi khai thác tại hộ ông Linh thì xã không nắm được, vì đoàn “đuổi” chỗ này thì họ lại “chạy” đến chỗ khác. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra sự việc”, ông Hà Huy Công cho biết thêm.
Tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, từ nhiều ngày qua cũng đã diễn ra tình trạng khai thác đất lợi dụng danh nghĩa nạo vét, cải tạo ao hồ. Qua ghi nhận của phóng viên, tại xứ đồng Ô Rô, xóm 3, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có trên dưới 10 phương tiện là máy xúc và xe tải đang tổ chức múc đất, sau đó vận chuyển ra khỏi địa bàn.
Ông Trần Hữu Vạn, Chủ tịch UBND xã Nam Giang cho biết: Đầu năm 2015, sau khi cá nhân có đơn xin cải tạo đất, xã đã xem xét và có tờ trình gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nam Đàn về việc xin cải tạo mặt bằng ao nuôi cá trên diện tích đất đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản với mục đích dễ đánh bắt và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau khi được sự đồng ý của cấp trên, xã đã lập phương án chuyển đổi.
Tuy nhiên, trong quá trình múc đất cải tạo, đã để xảy ra việc vận chuyển ra bên ngoài bán với mục đích có thêm nguồn thu và bù đắp chi phí vận chuyển, xăng dầu, tiền công...Theo quan sát, địa điểm nơi xảy ra việc khai thác nằm cạnh UBND xã, lại gần tuyến đường huyết mạch nhưng quá trình vận chuyển lại không che chắn thùng xe làm đất rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường.
Siết chặt hơn nữa công tác quản lý
Quá trình thực tế tại các địa phương cho thấy, tình trạng khai thác đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép là vi phạm quy định của pháp luật. Thế nhưng, khi làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương thì hầu hết đều chối bỏ trách nhiệm và khẳng định không có sự “chống lưng” hay “tiếp tay” cho các tổ chức, cá nhân vào địa phương khai thác.
Tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An khi trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã thừa nhận, huyện cho chủ trương cải tạo đất nhưng không cho chở đất ra khỏi địa bàn. Điều đáng nói là, khi phóng viên cung cấp thông tin về việc khai thác đất trái phép với lãnh đạo huyện, Phòng TN&MT cũng không hề hay biết mà chỉ cho biết: “Sẽ gọi điện cho Chủ tịch UBND xã kiểm tra lại”.
Còn tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, qua khảo sát và đánh giá của lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Vương Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên địa bàn mặc dù có xảy ra tình trạng trên nhưng quy mô khai thác không lớn, diện tích không nhiều. Tuy nhiên, thực trạng trên đã tác động trực tiếp đến công tác quản lý về môi trường, rừng trồng, nguồn thuế và an toàn giao thông. Huyện không đồng tình với việc các cá nhân lợi dụng chủ trương chung để tiến hành khai thác “chui”.
Thực tế, đất đã giao cho người dân, trong khi đó lại không có quỹ đất công ích. Do đó, việc giải quyết “bài toán” này là không hề đơn giản, vì trên thực tế, nhu cầu về sử dụng đất là rất lớn. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lại không đảm bảo các quy định mà lợi dụng chủ trương làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải tạo đất gia đình... để khai thác “chui”, thu lợi bất chính.
Xuân Thống