Pháp luật
Những băng cướp 'vắt mũi chưa sạch'
Nếu nói do hoàn cảnh gia đình khiến các em phải ra đời sớm và gây ra các vụ cướp chỉ vì tính bồng bột nông nổi của những cái đầu suy nghĩ còn quá trẻ dại cũng đúng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các "băng cướp nhí" ra tay một cách tàn bạo để cốt cướp được tài sản trong thời gian qua có lẽ còn có những nguyên nhân khác.
Đó là sự thiếu giáo dục của gia đình, sự a dua đua đòi, không thích bị kìm kẹp trong một môi trường bị quản lý dẫn đến việc không nhận định được chuyện đúng sai, sống kiểu bầy đàn, thích xưng danh anh chị. Ngoài ra, sự tác động của những cái xấu đang tràn ngập trong giới trẻ như những trò chơi trực tuyến với những cảnh đâm chém, bắn giết đầy bạo lực, những trò chơi sát phạt, ăn thua trong những tình huống game bạo lực hay tác hại của ma túy, chất kích thích (hít keo chó…) đã khiến những cái đầu non nớt nghĩ đến cách kiếm tiền bằng chuyện trộm cướp để phục vụ nhu cầu của mình như một bản năng vốn có.
1. Khi được Công an quận 1, TP HCM mời lên trao trả tài sản, anh Sapastian Gretz (du khách người Đức, lưu trú quận 4) vẫn còn một dải băng trắng băng bó vết thương ngang đầu. Anh Sapastian Gretz thật sự cảm kích việc Công an quận 1 khám phá nhanh vụ án, lấy lại được tài sản cho anh và tạo cho anh cùng người bạn gái sự an tâm khi tham quan du lịch trong thành phố những ngày còn lại.
Lúc đầu, nhận được tin Công an quận 1 triệt phá băng cướp dùng hung khí gây hàng loạt vụ cướp, gây thương tích cho du khách nước ngoài cướp tài sản, chúng tôi cứ ngỡ đó là một băng cướp có số má, nổi cộm trên địa bàn? Nhưng không, các đối tượng mới chỉ trong độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" và kẻ cầm đầu chỉ mới 13 tuổi.
Nụ cười bất cần của một đối tượng dùng hung khí cướp tài sản du khách ở quận 1 khi bị bắt. |
Nhìn cách trả lời điều tra viên, nhìn kiểu ăn mặc lôi thôi, nhìn những mái đầu húi cua, nhuộm đủ màu hay cách chúng cười ngặt ngoẽo trước ống kính máy quay mới thấy các đối tượng chỉ là những tên cướp vắt mũi chưa sạch nhưng lại chứng tỏ mình bất cần đời? Hung hãn trong lúc cướp tài sản nhưng khi bị bắt, các đối tượng đều tìm viện lý do né tránh. Nhất là khi hỏi về vụ tấn công hai người nước ngoài, Nguyễn Hữu Tài (13 tuổi, ngụ Bình Phước) đối tượng cầm đầu lí nhí: "Tụi cháu chỉ dọa thôi. Tại ông ấy chống cự nên chúng cháu mới đánh hội đồng rồi cướp!".
Mỗi đối tượng đều có một hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng đa phần đều bỏ học, bỏ nhà đi bụi và thích kiểu sống "bầy đàn". Trong 6 đối tượng, có 2 em dang dở lớp 5, 1 lớp 4, 1 lớp 3, còn lại "con chữ không muốn biết đến mình". Một điểm chung của các đối tượng nhí này là nghiện hít keo chó. Chọn cầu Mống và cầu Calmette (phía quận 1) làm nơi tụ tập và tuyến bờ kè làm địa điểm gây án, "con mồi" là những cặp nam nữ hóng mát tâm sự và du khách ngang qua. Sau khi cướp được tài sản các đối tượng này mua keo chó về hít chung rồi chia "chiến lợi phẩm" cho từng thành viên. Có tiền các đối tượng dạt qua các quận 1, 3, 4… nướng tiền vào game trực tuyến cho đến khi hết tiền thì tụ tập lại đi cướp tiếp. Bởi vậy sau khi cướp của hai du khách nước ngoài, các đối tượng tản ra và một tuần sau mới gây ra vụ cướp tài sản của 2 cô gái tại kênh Tàu Hủ thì bị bắt.
2. Những thông tin về các băng nhóm cướp giật tài sản bị triệt phá trong thời gian qua đều có một điểm chung rất dễ nhận biết, đó là các đối tượng có tuổi đời khá trẻ nhưng độ lỳ lợm và máu "giang hồ" thì quá thừa. Việc lập băng trộm cướp, sống bầy đàn được các đối tượng lý giải một cách hết sức hồn nhiên, bất cần: "Không có tiền thì đi cướp, không ai lo cho mình thì tự mình lo cho mình"?! Trần Lê Anh Vũ (SN 1998), quê Đồng Nai, sống lang thang và kết thân với Trần Quang Hiếu, SN 1996, quê Thừa Thiên-Huế, không có tiền tiêu xài, hai đối tượng tạo thành một "cặp đôi hoàn hảo" đêm xuống đột nhập vào nhà dân trộm tài sản. Sau phi vụ đột nhập thành công nhà anh N.V.B ở Đồng Nai trộm được gần 24 triệu đồng và một chiếc xe máy, hai đối tượng đem chiếc xe máy đi bán rồi mua lại hai chiếc xe máy khác để làm phương tiện hành nghề cướp giật ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM.
Con mồi mà hai đối tượng nhắm đến là những nữ sinh của các trường PTTH và tài sản mà chúng nhắm đến là những chiếc xe đạp đắt tiền, điện thoại di động của các nữ sinh. Để có thêm đồng bọn, Hiếu lôi kéo cả người yêu mình là Trần Thị H.N (SN 1998) cùng tham gia. Mỗi lần cướp được tài sản, các đối tượng đem bán, ăn chơi hết tiền lại đi cướp. Vì thế chỉ trong thời gian ngắn các đối tượng đã gây ra hàng chục vụ cướp giật tài sản trên địa bàn. Còn nhớ đến khi các đối tượng sa lưới trong một vụ "ăn hàng", các điều tra viên đều lắc đầu ngao ngán bởi cách sống "bầy đàn" của nhóm này.
Một nạn nhân người nước ngoài bị các đối tượng cướp nhí dùng hung khí gây thương tích. |
Còn khi đi sâu vào tìm hiểu về các em, các điều tra viên phần nào hiểu được vì sao một cô gái còn rất trẻ mà lại sống phóng túng và lao vào con đường phạm tội. Cha mẹ ly hôn và N. trở thành cái gai trong mắt của họ. Không người quan tâm, chăm sóc, N. sống buông thả và bỏ nhà đi bụi và gặp Hiếu. Khi Hiếu rủ nhập băng đi cướp, N .gật đầu đồng ý. Ba đối tượng sống chung trong căn phòng trọ và N sống theo cách bất cần đời của mình khi đồng ý "quan hệ" chung với cả Hiếu lẫn Vũ.
Trường hợp của một nhóm tội phạm thanh thiếu niên khác cũng để lại nhiều đau xót. Các đối tượng Lê Hoài C. mới 15 tuổi, Mai Công B., 13 tuổi và Đỗ Thanh T., 15 tuổi, cùng ngụ Bình Ba, Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu bị bắt trong một chuyên án cướp và cưỡng hiếp nạn nhân ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều đáng chú ý là khi khai nhận hành vi và thủ đoạn của chúng, các điều tra viên đã vô cùng sửng sốt và đau xót. Bởi lẽ các đối tượng còn quá nhỏ tuổi nhưng lõi đời, sành sỏi và thủ đoạn thì cực kỳ táo tợn, không thua kém gì những tên cướp chuyên nghiệp. Mê game trực tuyến nên C. thường ngồi đồng ở quán game nhiều hơn là trên lớp học. Thắng liên tục trong các trận thư hùng đẫm máu trong game, C. lầm tưởng về sức mạnh của mình trong game và đưa ra thực tế.
C. tự phong mình là "tướng cướp" rồi quy nạp hai đàn em B. và T. dưới trướng, vung tiền ra để hai đối tượng này tung hê C. Đã mang danh là "tướng cướp" thì phải có "thành tích" và chiêu độc để khi giang hồ nghe tên mình phải nể phục. C. cùng hai đàn em thực hiện 5 vụ cướp và cưỡng hiếp trên địa bàn xã cho đến khi bị bắt. Nhiều nạn nhân của băng cướp do C. cầm đầu cũng còn rất trẻ, có tuổi đời chỉ từ 15 trở xuống, sau khi dùng dao khống chế cướp tài sản cưỡng hiếp nạn nhân. Khi cướp thành công, C. chia cho B. và T. rồi sử dụng phần tiền còn lại chơi game và bao đám bạn ăn nhậu.
Băng cướp nhí gây ra hàng chục vụ cướp trên địa bàn giáp ranh giữa TP HCM và Bình Dương. |
Băng cướp giật, trộm cắp tài sản vừa bị Công an quận Thủ Đức triệt phá có hơn 10 đối tượng, tuổi từ 14 đến 27 và đều là các con nghiện nặng do đối tượng Nguyễn Trung Tín, tự Tề Thiên, mới 18 tuổi cầm đầu. Tuổi đời nhỏ hơn so với đàn anh nhưng Tín có nhiều thủ đoạn liều lĩnh khi cướp, có nhiều chiêu thức đột nhập trộm tài sản và biết được địa điểm mua ma túy cho cả nhóm sử dụng nên Tín được tôn lên làm thủ lĩnh.
Địa bàn mà các đối tượng trong băng của Tín thường hoạt động là các tuyến đường giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TP HCM với thị xã Thuận An, Bình Dương. Mỗi khi "ăn" được hàng, các đối tượng đều sử dụng số tiền đó vào việc mướn khách sạn mua ma túy sử dụng. Khi đói thuốc các đối tượng sử dụng dao, mã tấu đi cướp gây hoang mang cho người dân sống tại vùng giáp ranh. Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng này đã thực hiện hàng chục vụ trộm, cướp tài sản.
3. Có một đặc điểm chung, đó là thường khi các đối tượng trong các băng cướp nhí bị bắt thì dường như phải lâu lắm Cơ quan điều tra mới có thể liên lạc, tìm được người thân của chúng để họ giám hộ cho chúng. Bởi thực tế gia cảnh chúng cũng nhiều éo le. Có người chẳng muốn quan tâm đến đứa con của mình sinh ra và phó mặc chúng cho Cơ quan Công an xử lý.
Một đối tượng tội phạm vị thành niên đang làm việc với cơ quan điều tra. |
Hay nhiều phụ huynh khi được thông báo con em mình phạm tội thì viện ra nhiều lý do như đang bán vé số ở xa, đang chạy xe ôm chở khách, không "rảnh" để đến giải quyết cho con mình? Liệu phải chăng, những nụ cười có phần bất cần đời của những tên cướp nhí tại các nhà tạm giữ đã nói lên được phần nào nguyên nhân dẫn chúng vào con đường trộm, cướp này?
Cũng có nhiều đối tượng nhỏ chỉ vì thiếu sự quan tâm của gia đình, của xã hội, bị rủ rê lôi kéo vào con đường phạm tội mà khi bị bắt, những giọt nước mắt hối hận kiểu con nít lăn dài trên gương mặt "búng ra sữa" của các em. Một đối tượng 14 tuổi bị Công an quận Thủ Đức bắt trong chuyên án trộm, cướp đã run cầm cập, bật khóc khi thấy sắc phục của một điều tra viên. "Ba con chết sớm, mẹ đi giúp việc nhà, còn con rửa bát thuê cho người ta được trả công 50 ngàn/ngày. Mấy anh hay đến ăn cơm trong quán rủ rê đi cướp có nhiều tiền nên con đi theo. Con mới tham gia vụ đầu tiên, chưa được chia tiền thì bị bắt!" - đối tượng 14 tuổi, nhỏ loắt choắt thút thít khai…
Sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình cộng thêm những cạm bẫy ngoài xã hội rình rập như game bạo lực, ma túy, chất kích thích đã xâm nhập vào những cái đầu non nớt nửa trẻ em, nửa người lớn của các em khiến chúng thực hiện hành vi của mình một cách thiếu suy nghĩ, bất chấp hậu quả. Những băng trộm, cướp nhí bị triệt phá trong thời gian qua như một hồi chuông đáng báo động về thực trạng tội phạm ngày một trẻ hóa.
Một phần là do nhận thức của những đối tượng trộm cướp nhỏ tuổi còn bồng bột, háo thắng, muốn chứng tỏ bản thân, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là sự thiếu giáo dục của gia đình và sự thiếu quan tâm của xã hội.
Thay lời kết là câu nói của một đối tượng vừa bị bắt trong một chuyên án: "Chắc ba mẹ em dưới quê chưa biết em bị bắt. Em chỉ mong sao khi ba mẹ biết chuyện xin đừng bỏ rơi em. Em hứa sẽ không phạm sai lần nữa!". Câu nói của em không biết có thể thay đổi được suy nghĩ cũng như hành động của các bậc phụ huynh trong việc quan tâm và chia sẻ với những đứa con do mình tạo ra, nhưng có một điều chắc chắn, nó tố cáo một cách rành mạch về hoàn cảnh bị bỏ rơi của các em, chơi vơi và dễ bị xâm hại
Nguồn: CSTC