(Congannghean.vn)-Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, rượu ngoại được thẩm lậu từ các cửa khẩu biên giới, các đường tiểu ngạch về Việt Nam sau đó tuồn vào các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó TP Vinh được xem là địa bàn “nóng” về tình trạng trên.
Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến phức tạp, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là dược phẩm, rượu nhập lậu, rượu giả đang được xã hội quan tâm và kịch liệt lên án. Từ năm 2013 đến nay, trên mặt trận đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, riêng lực lượng Công an Nghệ An đã bắt giữ hàng trăm vụ, trong đó có hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển rượu nhập lậu, rượu giả, thu giữ hàng nghìn chai rượu các loại.
Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An tiêu hủy hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng |
Chỉ riêng Công an TP Vinh, từ năm 2014 đến nay (12/7) đã bắt giữ trên 50 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có hàng chục vụ rượu ngoại nhập lậu. Đặc biệt là phá chuyên án sản xuất rượu ngoại giả tại nhà riêng ở TP Vinh, thu giữ hàng trăm chai rượu giả và hàng nghìn nhãn mác, bao bì các loại dùng để phục vụ cho việc sản xuất rượu giả. Đối tượng pha chế rượu giả bị bắt giữ, khởi tố một thời du học tại Nga, sau đó trở về TP Vinh cùng em vợ lén lút sản xuất rượu ngoại giả để tung ra thị trường Nghệ An và Hà Tĩnh nhằm thu lợi bất chính.
Gần đây nhất, ngày 12/7, nhận được tin báo có 2 xe khách chạy từ Hà Nội vào các tỉnh phía Nam, trên xe chở hàng nhập lậu, một tổ công tác của Công an TP Vinh được lệnh triển khai, phối hợp với lực lượng CSGT chốt chặn các trục đường chính. Khi 2 chiếc xe ôtô chở khách BKS 29B-113.49 và 29B-127.22 do Lê Văn Nam trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa và Nguyễn Duy Trinh trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam điều khiển chạy vào đến đường Nguyễn Du, thuộc phường Bến Thủy liền bị tổ công tác Công an TP Vinh ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 72 chai rượu Chivas 18 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tổng trị giá khoảng trên 70 triệu đồng. Hai tài xế Nam và Trinh khai là vận chuyển thuê cho một đối tượng ở Hà Nội vào TP Vinh và Hà Tĩnh nhập cho các đại lý chuyên bán rượu ngoại.
Đó là chưa nói đến lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 cũng phát hiện, bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển rượu nhập lậu, nhưng chủ yếu là rượu giả mang nhãn mác sản xuất tại Lào. Điều đáng nói là hầu hết các vụ vận chuyển rượu nhập lậu trên được thực hiện giữa “thanh thiên bạch nhật”. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, động thái đầu tiên của chủ hàng là gọi cho “người quen” để can thiệp. Tại đợt tiêu hủy các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại Chi cục Quản lý thị trường cuối năm 2014, có tới hàng chục két rượu mang nhãn mác của Lào, Trung Quốc và Pháp sản xuất nhưng cũng được xác định là rượu giả.
Thiết nghĩ, việc chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhất là rượu giả, rượu nhập lậu phải được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh; chú trọng kiểm tra hàng hóa trong lưu thông mà chủ yếu là lực lượng quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra điều kiện kinh doanh, giấy phép, mặt hàng…
Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan nắm tình hình, tổ chức đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là rượu giả, rượu nhập lậu và dược phẩm. Làm được như vậy mới chống thất thu về ngân sách Nhà nước, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, ổn định giá cả thị trường.
.