Pháp luật

Khắc phục đồng bộ các giải pháp, giảm thiểu TNGT đường sắt

08:38, 25/07/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), giai đoạn từ 2011 - 2014, dù số phương tiện giao thông đường bộ tăng gần 50%, số chuyến tàu chạy trên đường sắt tăng 35%, nhưng TNGT đường sắt diễn biến theo xu hướng giảm dần trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2015, TNGT đường sắt trên cả nước lại diễn biến phức tạp và tăng trên cả 3 tiêu chí. Trên địa bàn Nghệ An, tình hình TTATGT liên quan đến đường sắt cũng diễn biến khá phức tạp, cần sớm có những giải pháp tích cực.

Hệ lụy từ những “điểm đen”

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra một số vụ TNGT đường sắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến TTATXH, đặc biệt là tại các đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt.

Đường bộ giao nhau với đường sắt là “điểm đen” dễ gây ra TNGT
Đường bộ giao nhau với đường sắt là “điểm đen” dễ gây ra TNGT

Đến hôm nay, vụ TNGT xảy ra đối với gia đình chị Phan Thị Hiền (25 tuổi) ở xóm 20, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc vẫn là nỗi đau không dễ nguôi và còn là sự ám ảnh của nhiều người. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 20/2/2015, đúng vào ngày 30 Tết Âm lịch, khi chị Hiền và con trai là Nguyễn Văn Khang (SN 2013) đang đi bộ trên đoạn đường ở Km 311+400 thuộc xóm 11, xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc thì bị tàu SE8 do lái tàu Nguyễn Cảnh Dương (SN 1965), công tác tại Xí nghiệp đầu máy Hà Nội điều khiển đâm vào, khiến 2 mẹ con tử vong. Đây là một trong những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều đáng nói, vụ tai nạn xảy ra tại địa điểm này là một trong những “cung đường” dễ gây ra tai nạn, bởi dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, tồn tại nhiều “điểm đen” về ATGT.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đường, Đội trưởng Đội Đường sắt, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, thực hiện chỉ thị của Chính phủ, kế hoạch của Công an tỉnh, sau khi phối hợp với ngành đường sắt và Ban ATGT tỉnh, đến nay đã xác định được 8 “điểm đen” về ATGT, dễ gây tai nạn liên quan đến đường sắt trên tổng số 37 “điểm đen” được khảo sát.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn xảy ra 9 vụ TNGT đường sắt, làm chết 7 người, 2 người bị thương. So với cùng kỳ, giảm 25% về số vụ, giảm 36,3% về số người chết. Ngoài ra, trong năm 2014, có 15 vụ ôtô đâm đổ vào đường sắt, va quệt tại đường ngang dân sinh. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do người đi bộ, người điều khiển phương tiện đường bộ khi đi qua các điểm giao cắt dân sinh không chú ý tàu hỏa (chiếm 55% số vụ).

Phát sinh nhiều đường ngang dân sinh

Nghệ An có 2 tuyến đường sắt đi qua là tuyến Thống Nhất và tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn, với tổng chiều dài 126 km đường chính, đi qua địa bàn 50 xã, phường của 7 huyện, thành, thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 80 đường ngang (trong đó có 28 đường ngang có người gác, 9 đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động, 43 đường ngang phòng vệ bằng biển báo) và 233 đường dân sinh cắt qua đường sắt. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 37 điểm nhà ở và gần 90 điểm công trình phụ xây dựng vi phạm…

Thực tế hiện nay, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều đường ngang trái phép; công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong đảm bảo TTATGT đường sắt chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, đối với ngành đường sắt, mỗi năm trên cung đường sắt Thống Nhất đã phát sinh thêm một số đường ngang dân sinh mới, khiến tình hình TTATGT đường sắt thêm phức tạp. Đáng lưu ý là, một số điểm đường ngang được mở bất hợp pháp, mặc dù ngành đường sắt và chính quyền địa phương đã giải tỏa nhiều lần nhưng thực trạng trên vẫn tái diễn.

Mới đây, thực hiện Chỉ thị 12-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/6/2015 về tăng cường các biện pháp cấp bách đảm bảo TTATGT đối với vận tải ôtô khách và đường sắt, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch, giao các phòng nghiệp vụ liên quan và các đơn vị phối hợp với ngành đường sắt tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT đường sắt.

Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, mở đường ngang trái phép, tổ chức cảnh giới, lập gác chắn. Đặc biệt, Đoàn kiểm tra liên ngành (Công an, GTVT, ngành đường sắt) đã kiến nghị tiếp tục khắc phục những tồn tại về tầm nhìn đường bộ bị che khuất, người dân họp chợ, buôn bán làm che khuất đèn và tín hiệu biển báo đường sắt; mặt đường giao cắt với đường sắt không đảm bảo; bị cây cối che khuất tầm nhìn đường bộ, đường sắt, thiếu cọc tiêu, nhà dân lấn chiếm...


Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ngày 16/7 đã xác định: Đường ngang mà có tuyến đường bộ là quốc lộ, tỉnh lộ do các Chi cục Đường bộ quản lý, các tồn tại về đường bộ, đường sắt cơ bản đều được sửa chữa. Còn các đường ngang có tuyến đường bộ là đường huyện, đường xã tồn tại do trách nhiệm đơn vị quản lý đường bộ nhưng chưa được thực hiện. VNR cũng cam kết cùng Nghệ An, Ban ATGT tỉnh sớm xóa bỏ những đường ngang bất hợp pháp và xây dựng thêm nhiều đường ngang có gác; đồng thời, tiến hành mở đường gom, cầu vượt đường sắt nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo ATGT, giảm đến mức thấp nhất TNGT.

Xuân Thống

Các tin khác