Pháp luật

Đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường thủy nội địa

08:37, 21/07/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Việc đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt đã khó, với đường thủy lại càng vất vả và có phần nguy hiểm hơn. Song những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT, TTATGT, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã góp phần giữ vững bình yên sông nước. Những thành tích xuất sắc của lực lượng Cảnh sát đường thủy đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
 
Nghệ An là tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy nội địa rộng khắp, với 82 km bờ biển, 2 cảng lớn, nhiều tuyến sông, kênh có tổng chiều dài hơn 2.000 km, hàng vạn phương tiện giao thông thủy và hàng trăm phương tiện chở khách qua sông. Đây là hoạt động vận tải thiết thực, quan trọng, phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc đảm bảo TTATGT đường thủy trong phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, góp phần làm chuyển biến tích cực trên lĩnh vực đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa.
Lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra phương tiện giao thông                          trên tuyến đường thủy nội địa
Lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên sông
 
Để làm tốt công tác này, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn và phối hợp với Công an các huyện, thành phố, thị xã, nhất là các đơn vị trọng điểm về TTATGT đường thủy để tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, đề án công tác đảm bảo TTATGT đường thủy. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là những người sinh sống và hành nghề trên sông nước nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường thủy; tích cực tham gia phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”.
 
Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền và Ban ATGT cơ sở xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tự quản về ANTT, TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa, như: Mô hình Làng chài bình yên, Bến đò kiểu mẫu, xây dựng hàng nghìn tổ, đội, nhóm tự quản cửa sông, biển, cảng, tuyến sông an toàn... Thông qua các mô hình này, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người dân, nhất là những người hoạt động trên sông nước, góp phần đảm bảo TTATGT, phòng ngừa, hạn chế tai nạn xảy ra.
 
Đại tá Phạm Đức Châu, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh cho biết: Để làm tốt nhiệm vụ đảm bảo bình yên sông nước trong điều kiện địa bàn phức tạp, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tập trung lực lượng, phương tiện, tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Phòng đã tổ chức 285 lượt tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa, cảng, cửa biển.
 
Qua tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện 225 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 65 trường hợp, đình chỉ hoạt động 29 phương tiện không đảm bảo an toàn, nộp ngân sách Nhà nước 425 triệu đồng. Cảnh sát đường thủy cũng là lực lượng đi đầu trong đấu tranh với nạn “cát tặc”. Đây là một việc làm khó khăn, nhưng bằng sự kiên trì và tinh thần quyết tâm cao, thời gian qua, đơn vị đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Nhờ vậy, nạn “cát tặc” trên sông Lam, sông Hiếu, sông Hoàng Mai đã giảm hẳn.
 
Một trong những kết quả nổi bật của lực lượng Cảnh sát đường thủy đó là chủ động nắm tình hình hoạt động của các loại tội phạm. Qua đó, đã xác lập đấu tranh 1 chuyên án, bắt 1 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 16 kg pháo các loại; phát hiện, bắt giữ 3 vụ, 4 đối tượng buôn bán lâm sản trái phép…; góp phần quan trọng trong đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm trên tuyến giao thông đường thủy; từng bước đưa hoạt động giao thông - vận tải đường thủy đi vào nề nếp.
 
Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa của các tầng lớp nhân dân và những người hành nghề trên sông nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến TTATGT đường thuỷ và tai nạn giao thông đường thủy đã giảm rõ rệt trong thời gian qua. 

Cao Loan

Các tin khác