(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, nhiều gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út đã đồng loạt làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng về việc người thân của họ đi lao động giúp việc gia đình tại đất nước này đã bị ngược đãi, đánh đập, phải chạy vào trại tị nạn. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo, đa phần những người này đều bị một số cá nhân, tổ chức lừa đảo, môi giới XKLĐ nên quyền lợi không được đảm bảo.
Bài 1: Kí ức hãi hùng của người về từ Trung Đông
Bị bắt làm việc nhà quần quật từ sáng sớm đến nửa đêm, phải ăn cơm thừa canh cặn, thường xuyên lĩnh đòn và bị bán qua lại giữa nhiều chủ khác nhau, buộc lòng phải dọa tự vẫn để được vào trại tị nạn. Đó là những gì mà người lao động phải chịu đựng khi sang giúp việc nhà tại đất nước Ả Rập Xê Út. Thậm chí, có lao động còn phải bỏ mạng tại xứ người.
Dễ như XKLĐ sang Ả Rập Xê Út
Ngày 21/6, chúng tôi có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1965) trú tại xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn ngay khi nhận được thông tin, chị này vừa từ Ả Rập Xê Út trở về nhà an toàn sau hơn 9 tháng giúp việc gia đình tại đất nước vùng Trung Đông này. Vẫn chưa hết bàng hoàng khi buộc phải nhớ lại những ngày tháng bị vắt kiệt sức tại xứ người, chị Hồng cho biết: Khoảng đầu tháng 9/2014, thông qua một người phụ nữ tên Tuyết ở vùng Cửa Hội, chị được Công ty Cổ phần XKLĐ và Thương mại du lịch (Colecto), trụ sở tại tầng 7, Tòa nhà Âu Việt, số 1 Lê Đức Thọ (Hà Nội) tư vấn để đi XKLĐ sang Ả Rập Xê Út.
Chị Nguyễn Thị Hồng hồi tưởng lại những ngày tháng hãi hùng ở Ả Rập Xê Út |
Theo quảng bá, người lao động không mất bất cứ chi phí nào, kể cả tiền vé máy bay, thậm chí người lao động còn được tài trợ thêm 4 triệu đồng, làm việc nhẹ nhàng, tháng đầu tiên lương khởi điểm là 13.000 Riyals (tương đương khoảng 7 triệu VNĐ), những tháng sau sẽ tăng dần đều lên 8,5 triệu rồi 10 triệu đồng nếu làm tốt công việc được giao. Trước những chào mời hấp dẫn đó, chị Hồng đã đồng ý “xuất ngoại” và sau khi trải qua lớp học tiếng chỉ kéo dài 3 ngày, chị Hồng đã ký hợp đồng với Công ty Colecto để sang Ả Rập Xê Út. Ngày 17/9/2014, chị Hồng sang Ả Rập Xê Út và được đưa đến bàn giao cho gia chủ mà không có thêm bất cứ thỏa thuận nào, mọi điều khoản hợp đồng đã được phía Công ty làm việc với chủ nhà. Cũng bắt đầu từ đấy, chị Hồng đã bị đối xử rất tệ bạc và bị vắt kiệt sức lao động.
270 ngày kinh hoàng ở xứ người
Theo đó, trong thời gian 7 tháng mưu sinh trên đất nước Ả Rập Xê Út, chị Hồng đã bị bán qua hai chủ, bị đánh đập, một ngày cho một bữa ăn. Chị phải làm việc quần quật ngay khi vừa đặt chân đến nơi. “Một bữa ăn một ít cơm và phải ăn thức ăn dư thừa. Chủ nhà ăn xong, người giúp việc đến dọn rồi ăn phần thừa còn lại trên mâm. Mỗi ngày, tôi phải thức dậy làm việc từ 5 giờ sáng ngày hôm nay đến 2 giờ sáng hôm sau, có hôm đến 3 giờ rưỡi sáng mới được đi ngủ. Có những khi kiệt sức, lả đi vì đói và mệt, tôi được chủ nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo hợp đồng, nếu đau ốm thì được phép xin nghỉ vài giờ đồng hồ nhưng ngay khi tôi vừa mở lời, liền bị đánh bằng gậy”, chị Hồng nhớ lại. Tháng lương đầu tiên, theo hợp đồng, chị được trả 13.000 Riyals, nhưng chủ nhà đã bớt lại 500 Riyals, còn lại thực nhận 12.500 Riyals, tương đương khoảng 6,3 triệu đồng tiền Việt Nam. Sau hai tháng bị vắt kiệt sức lực, chị Hồng đã bị bán lại cho một gia đình khác, cũng phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, thậm chí còn phải trông thêm 2 đứa trẻ 2 và 5 tuổi.
Theo chị Hồng, thằng bé 5 tuổi hỗn hào, thường xuyên đánh trên đầu chị nhưng chị không dám phản ứng mà đành im lặng chịu trận. Tại đây, chị Hồng bị chủ nhà đánh đập 3 lần, họ dùng gậy và lấy chai nước khoáng ném vào mặt. Do bị ngược đãi và nghe phong thanh chuẩn bị “bán” mình cho chủ khác, chịu không thấu, chị Hồng đã lao đầu vào xe ôtô đòi tự tử khiến chủ nhà sợ hãi, phải đưa vào trại tị nạn theo đúng yêu cầu của người giúp việc. “Tại đây, tôi gặp 4 người phụ nữ Việt Nam khác cùng chung cảnh ngộ. Một chị luống tuổi tên Hạnh, đã ở đây gần 2 tháng, mách nước là phải ở đây mới mong có cơ hội về nước chứ kiên quyết không quay lại giúp việc.
Cũng vì thế, hai ngày sau, chủ nhà đến làm thủ tục bảo lãnh trở về nhưng tôi không chịu. Sau khi được Công an nước sở tại can thiệp, tôi được ra sân bay làm thủ tục nhưng vì sức khỏe quá yếu nên được đưa trở lại trại tị nạn ở thêm 35 ngày nữa rồi mới trở về. Tổng cộng, thời gian ở Ả Rập Xê Út của tôi là 9 tháng, trong đó gần 2 tháng sống trong trại tị nạn, làm việc nhà được 7 tháng và được trả số tiền gần 50 triệu đồng. Ngày 15/6/2015, tôi đã về đến Việt Nam, kết thúc 9 tháng kinh hoàng ở Trung Đông”, chị Hồng chia sẻ thêm.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng cũng là thảm cảnh chung của phụ nữ Việt Nam khi sang lao động giúp việc tại Ả Rập Xê Út. Cùng may mắn được trở về trong dịp này còn có chị Trần Thị Thu (SN 1972) trú tại xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. Trong khi đó, có nhiều người đang mắc kẹt ở trại tị nạn, trong đó có chị Nguyễn Thị Xuyến, quê ở Tây Ninh đang gọi điện về quê nhà cầu cứu khẩn thiết nhưng chưa được trở về. Nhiều lao động tiếp tục bị biến thành nô lệ giúp việc, như trường hợp chị Nguyễn Thị Nhàn (SN 1987) trú tại xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, dù đã kêu cứu và yêu cầu công ty chấm dứt hợp đồng song cả phía công ty lẫn chủ nhà đều đòi bồi hoàn một khoản tiền lớn, khiến gia đình và bản thân chị Nhàn không còn cách nào khác ngoài cắn răng chịu đựng.
Thậm chí, theo thông tin từ người lao động cung cấp, đã có trường hợp phải bỏ mạng nơi xứ người như chị Trương Thị Ngọc Ánh (24 tuổi) trú tại huyện Quỳ Hợp, do không chịu đựng được sự bóc lột tàn khốc nên đã thắt cổ tự tử, hiện gia đình vẫn chưa đưa được thi thể về quê nhà.
(Còn nữa)
Kỳ II: Cạm bẫy nô lệ ở xứ người
.