Pháp luật

Cảnh báo thực trạng giả danh tu sĩ Phật giáo để lừa đảo

08:18, 30/07/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-“Đánh” vào tâm lý thương người, lòng “từ bi” của xã hội, cộng đồng, nhiều kẻ đã giả danh tàn tật, người mang bệnh, gia cảnh bất hạnh, thậm chí khoác áo người tu hành của giáo hội Phật giáo để hành nghề ăn xin, trục lợi... Giả giới tu hành để làm những trò bịp bợm, lừa đảo không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và sự tôn nghiêm của Phật giáo mà còn tác động trực tiếp đến tình hình ANTT tại địa phương.

Trưa 8/7, trực ban Công an phường Lê Lợi, TP Vinh nhận được tin tố giác của chị Trần Thị Tú (SN 1981) trú tại khối 16, phường Lê Lợi về việc, trước đó chị bị một đối tượng giả danh tu sĩ Phật giáo vào nhà xin tiền làm từ thiện. Chị Tú đã đưa một tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng cho đối tượng nhưng bị khước từ, trả lại. Nhận tiền bị trả lại, chị Tú đã không làm chủ được lý trí và hành vi của bản thân nên tự mở két, lấy 17 chỉ vàng và 1.500.000 đồng (tổng toàn bộ tài sản trị giá khoảng 60 triệu đồng) đưa cho đối tượng. Lấy được tiền và vàng, người đàn ông trên bỏ đi thì chị Tú ngã ra giữa nhà, đến khi con trai chị đi chơi về thấy mẹ bị ngã thì mới lay gọi. Lúc tỉnh dậy, chị Tú vô cùng hoảng hốt khi biết mình bị lừa mất tài sản. Trưa cùng ngày, chị đã đến Công an phường Lê Lợi trình báo sự việc.

Một đối tượng giả danh tu sĩ Phật giáo vi phạm pháp luật bị Công an Nghệ An bắt giữ
Một đối tượng giả danh tu sĩ Phật giáo vi phạm pháp luật bị Công an Nghệ An bắt giữ

Được biết, trước đó không lâu, Công an phường Hồng Sơn, TP Vinh đã bắt quả tang Nguyễn Văn Đề (SN 1970) trú tại xóm 5B, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, làm rõ, dù đã có vợ con nhưng vì lười lao động, ham chơi bời, Đề thường xuyên bỏ nhà lang bạt khắp nơi. Tình cờ gặp một vị sư “dởm”, Đề đã đi theo và tham gia nhiều vụ trộm, lừa đảo tài sản ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Đề khai, mỗi lần hành khất, hắn được nhân dân ủng hộ từ 20.000 - 50.000 đồng, ngoài ra còn nhận tiền từ các “tấm lòng vàng” là các cá nhân, tổ chức đã quyên góp, ủng hộ cho nhà chùa, nhưng sau khi thu về lại dùng để tiêu xài cá nhân.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng xuất hiện nhiều đối tượng giả danh tu sĩ Phật giáo lợi dụng việc khất thực của đạo Phật, lấy lý do vận động ủng hộ xây dựng chùa, làm công đức... để bán hương, xin tiền nhằm mục đích tư lợi cá nhân.  Đây là thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn với những thủ đoạn trên, Công an tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, có biện pháp xử lý.

Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các lực lượng nghiệp vụ nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nắm bắt tình hình; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả danh tu sĩ Phật giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Cùng với đó, các lực lượng nghiệp vụ, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; chủ động nắm tình hình, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng giả danh tu sĩ Phật giáo có hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó tập trung làm rõ các trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn; phối hợp với các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe tội phạm, đảm bảo ANTT, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.       

Xuân Thống

Các tin khác