(Congannghean.vn)-Với mục tiêu cung cấp hệ thống các cơ sở y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất, những năm qua, với xu thế xã hội hóa ngành nghề, cùng với hệ thống y tế công lập, các cơ sở y - dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang phát triển mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng phục vụ và phong phú, đa dạng về hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý hành nghề, điều kiện hành nghề cũng như cơ sở vật chất, gây nhiều phiền hà cho người dân.
Làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Vì vậy, để đáp ứng nguyện vọng trên, đồng thời đảm bảo các quy định của Nhà nước đối với lĩnh vực này, rất cần sự quan tâm của không chỉ ngành y tế mà còn của mỗi khách hàng. Tuy nhiên, những năm qua, nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cơ sở y tế tư nhân hoạt động trên lĩnh vực thẩm mỹ, nha khoa trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng. Sự tăng nhanh về số lượng các cơ sở làm đẹp trong khi công tác quản lý chưa theo kịp với xu thế đang đặt ra nhiều vấn đề tác động đến đời sống xã hội.
Tình trạng các cơ sở nha khoa, thẩm mỹ viện hoạt động “chui” trên nhiều tuyến phố ở các đô thị và “len lỏi” về các vùng nông thôn khiến không ít người dân lo lắng. Vào năm 2013, “sự kiện” thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) hoạt động không đảm bảo quy định, khi “can thiệp” vào khách hàng dẫn đến một nạn nhân tử vong khiến dư luận hết sức bức xúc. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh ta, những năm trước, lĩnh vực thẩm mỹ đang là hoạt động khá mới mẻ và chỉ rộ lên trong thời gian gần đây.
Nhiều cơ sở nha khoa, thẩm mỹ viện được quảng cáo “bắt mắt”, song không đảm bảo quy định |
Trước tình hình đó, ngành y tế đã kịp thời vào cuộc rà soát, thống kê các cơ sở hành nghề thẩm mỹ viện. Thế nhưng, hàng loạt cơ sở vẫn “nhởn nhơ” hoạt động ngoài quy định. Ngay sau đó, nhiều cơ sở đã bị kiểm tra, đình chỉ hoạt động, thế nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn, nhiều cơ sở vẫn lén lút “hành nghề”.
Trên lĩnh vực hoạt động của các cơ sở nha khoa cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại các phường, xã, nhiều cơ sở nha khoa “chui” mọc lên như “nấm sau mưa”, với những hình thức quảng cáo bắt mắt, gây sự chú ý của khách hàng. Trước những hệ lụy từ hoạt động này, vào tháng 5 vừa qua, thực hiện kiểm tra công tác hành nghề y ngoài công lập, Đoàn thanh, kiểm tra của Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra bất thường tại 5 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP Vinh. Qua kiểm tra, đoàn đã yêu cầu đóng cửa và rút giấy phép hành nghề đối với cả 5 cơ sở nha khoa này.
Theo thống kê của Phòng hành nghề y - dược tư nhân (Sở Y tế), qua báo cáo từ các phòng y tế và kiểm tra của Sở Y tế, trong năm 2014, đã tiến hành kiểm tra 153 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh có giấy phép. Trong đó, 116 cơ sở thực hiện tốt (72 cơ sở hành nghề y, 44 cơ sở hành nghề đông y); 37 cơ sở vi phạm, hành nghề không có giấy phép (trong số đó, 19 cơ sở khám chữa bệnh về răng - hàm - mặt). Đoàn cũng đã tiến hành thanh kiểm tra và đình chỉ 28 cơ sở hoạt động không đảm bảo quy định. Riêng 5 tháng đầu năm 2015, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã tiến hành kiểm tra 229 cơ sở, qua đó xử phạt hành chính gần 40 cơ sở vi phạm.
Theo dược sỹ chuyên khoa I Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y - dược tư nhân, Sở Y tế Nghệ An, tình trạng vi phạm đối với lĩnh vực này không chỉ tập trung ở các cơ sở nha khoa, thẩm mỹ viện vốn phức tạp từ lâu nay mà còn phổ biến ở các danh mục thuốc tân dược, thuốc tây, nhất là tại các vùng nông thôn.
Trong tháng 6/2015, đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược tư nhân đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 3 cơ sở kinh doanh thuốc tây chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động và chưa có giấy phép kinh doanh. Các quầy bán thuốc không có đơn của bác sĩ, niêm yết giá không đầy đủ trong kinh doanh thuốc, bán lẻ thuốc không đáp ứng yêu cầu về bảo quản ghi trên nhãn thuốc.
Theo quy định, mặc dù các mặt hàng này thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện, yêu cầu người bán hàng phải có bằng cấp chuyên môn và được phép kinh doanh, mua bán dưới sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở dược tư nhân vi phạm nhiều ở các phạm vi hoạt động chủ yếu như: Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và không có chứng chỉ hành nghề, hoặc chứng chỉ hết thời hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp; các cơ sở không thực hiện việc niêm yết giá hoặc niêm yết giá thuốc không đầy đủ; bán thuốc không theo đơn thuốc và các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, biển tên... theo quy định.
(Còn nữa)