(Congannghean.vn)-Với mục tiêu cung cấp hệ thống các cơ sở y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất, những năm qua, với xu thế xã hội hóa ngành nghề, cùng với hệ thống y tế công lập, các cơ sở y - dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang phát triển mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng phục vụ và phong phú, đa dạng về hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý hành nghề, điều kiện hành nghề cũng như cơ sở vật chất, gây nhiều phiền hà cho người dân.
Thực tế cho thấy, các cơ sở khám chữa bệnh, hành nghề y - dược tư nhân ngày càng phát triển nhanh chóng, nhưng công tác rà soát, thanh kiểm tra vẫn còn thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, thậm chí có một bộ phận xem nhẹ, khiến công tác quản lý trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập, trở thành “bài toán” nan giải đối với ngành y tế.
Đoàn kiểm tra Sở Y tế kiểm tra cơ sở hành nghề y - dược tư nhân trên địa bàn TP Vinh |
Hàng năm, Thanh tra Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc hành nghề y - dược tư nhân từ 1 - 2 lần/năm, đồng thời tham mưu Giám đốc Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo Phòng Y tế các huyện lập kế hoạch và tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động hành nghề y - dược tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm các ngành Y tế, Công thương, Tài chính tổ chức kiểm tra việc hành nghề y - dược tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh.
Về trách nhiệm quản lý, ngành Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ cấp chứng chỉ và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để cấp phép hành nghề y - dược (trừ bệnh viện tư nhân và các bệnh viện thuộc khối quân đội, công an). Đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra các hoạt động về hành nghề y - dược ngoài công lập và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; chỉ đạo các huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động trên địa bàn huyện quản lý. Theo Nghị định 37/2014 của Chính phủ, Phòng Y tế huyện, thành, thị tham mưu cho UBND huyện trong việc thẩm định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh (phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế), các đại lý kinh doanh thuốc chữa bệnh; thanh, kiểm tra về các hoạt động hành nghề trên địa bàn quản lý và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, theo Dược sỹ chuyên khoa I Lê Hồng Lĩnh: Công tác quản lý các cơ sở hành nghề y - dược vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng nhiều cơ sở hành nghề y - dược tuy không có giấy phép hành nghề trên địa bàn nhưng vẫn hoạt động, chủ yếu là tại các huyện; một số cơ sở hành nghề có giấy phép nhưng người hành nghề làm việc không đúng theo chuyên môn, cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa được trang bị đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra lại chưa thường xuyên, đặc biệt là tại các tuyến huyện, việc tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp khó khăn.
Nguyên nhân của những tồn tại này là do công tác tham mưu của Phòng Y tế một số huyện chưa tốt; các ban, ngành địa phương chưa thật sự tích cực trong quản lý hoạt động hành nghề y - dược ngoài công lập trên địa bàn quản lý, coi đó là trách nhiệm của ngành y tế. Trong khi đó, nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp y - dược hàng năm tốt nghiệp ra trường rất lớn. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn không xin được việc làm tại các cơ sở y tế nên đã mở các cơ sở để mưu sinh, nhưng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp phép hành nghề y - dược tư nhân theo quy định.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác đó là ý thức của người hành nghề chưa cao và chưa thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, nhất là những thông tin mới về y học và sử dụng thuốc. Ngoài ra, nguồn nhân lực Thanh tra và Phòng Quản lý hành nghề còn thiếu. Đặc biệt, nhân lực của Phòng Y tế các huyện vẫn còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến tâm lý “ngại” đi kiểm tra.
Trước thực trạng trên, các cơ quan quản lý từ tỉnh đến cơ sở cần “mạnh tay” chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở vi phạm. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ trong công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khoẻ, cách nhận biết và sử dụng thuốc, lựa chọn những cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh tin cậy, phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả… Nếu làm được như vậy, công tác xã hội hoá hoạt động y tế mới mang lại hiệu quả như mục tiêu đã đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
.