(Congannghean.vn)-Pháp luật đã quy định cấm mua bán quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ… của lực lượng vũ trang trên thị trường. Song thực tế, các loại quân trang, công cụ này lại được bày bán công khai ở một số tuyến đường trên địa bàn TP Vinh, tạo ra những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Không khó để tìm thấy các điểm chuyên bán những loại quân trang, quân phục của lực lượng vũ trang, bởi các quầy hàng này thường nằm gần các đơn vị quân đội. Tại đường Lê Duẩn, TP Vinh các cửa hàng bày bán quân trang nằm san sát nhau. Đa số bảng hiệu của các quầy hàng này đều ghi rõ: “Chuyên bán sỉ và lẻ giày, dép, mũ, quần áo quân trang”, “Nhận hợp đồng may đo, may sẵn quần áo quân trang”...
Ghé vào một cửa hàng tại đây, thấy có khách hàng, chị chủ quán đon đả chào mời: "Em muốn mua quần áo loại nào? Cấp “tướng” hay cấp “tá”. Ở đây chị có hết". Chị chủ quán cho biết, giá của bộ quần áo cấp "tướng, tá" này chỉ dao động từ vài trăm nghìn đến không quá 800.000 đồng.
Quân trang được bày bán tràn lan trên đường Lê Duẩn (TP Vinh) |
Trong lúc chúng tôi đang chọn hàng, có một người khách bước vào đề nghị đổi một đôi giày bộ đội. Khi chúng tôi hỏi có cần xuất trình thẻ ngành hay giấy tờ gì không, người bán trả lời ngắn gọn: “Chỉ cần đủ tiền thôi, mấy thứ này cần gì thẻ ngành, người nào mua chả được”.
Việc bày bán loại mặt hàng trên diễn ra công khai trên thị trường, cả hàng thật lẫn hàng giả đã tạo kẽ hở cho không ít đối tượng lợi dụng, sử dụng quân trang, quân phục… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Giả danh sĩ quan quân đội, Công an để lừa đảo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của lực lượng vũ trang nhân dân.
Tại Nghệ An, đã phát hiện nhiều đối tượng sử dụng quân trang, quân dụng, phù hiệu, công cụ hỗ trợ giả danh Công an để gây án. Điển hình như vụ: Phan Bá Hùng (SN 1958) trú tại xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ và Nguyễn Văn Tú (SN 1980) trú tại xã Giang Sơn, huyện Đô Lương sử dụng trang phục, phù hiệu, công cụ hỗ trợ giả danh cán bộ Công an đến nhà nghỉ trên địa bàn huyện Yên Thành để “kiểm tra hành chính”, lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà nghỉ. Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Thành đã bắt giữ, lập hồ sơ xử lý nghiêm hai đối tượng trên theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Vương Kim Hải, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP Vinh cho biết: “Theo quy định trong lực lượng quân đội thì quân phục được cấp phát cho quân nhân rất rõ ràng, theo tiêu chuẩn từng năm và theo cấp bậc… Theo đó, mỗi quân nhân phải bảo quản và giữ gìn cẩn thận những đồ mình được cấp phát. Và tất nhiên không có chuyện mua bán quân trang, quân phục trong ngành. Nếu có xảy ra, những trường hợp này sẽ bị xử lý rất nặng. Còn những loại quân trang, công cụ… được bày bán trên thị trường rất có thể là hàng giả, hàng nhái. Việc bày bán đồ quân trang một cách tràn lan như vậy sẽ làm mất đi tính uy nghiêm của lực lượng”.
Việc ngang nhiên mua bán đồ quân trang giả của các lực lượng vũ trang không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Vì vậy, việc xử phạt các cá nhân, tổ chức kinh doanh quân trang là một trong những biện pháp nhằm làm giảm tình trạng giả danh Công an, bộ đội để lừa đảo. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý để ngăn chặn tình trạng trên.
.