Pháp luật

Xử lý chợ cóc, chợ tạm: 'Bắt cóc bỏ đĩa'

08:05, 30/04/2015 (GMT+7)
Kỳ II: Khó khăn trong việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm?
 
(Congannghean.vn)-Tình trạng chợ cóc, chợ tạm tồn tại trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri HĐND các cấp cũng đã đưa vấn đề này ra bàn luận. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành nhằm chấn chỉnh tình trạng chợ cóc, chợ tạm. Thế nhưng, để dẹp bỏ hoàn toàn các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, trả lại hành lang an toàn giao thông (ATGT), đảm bảo mỹ quan đô thị thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
 
Đơn cử tại huyện Diễn Châu, hiện nay, trong khoảng 10 chợ nông thôn nằm cạnh các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì có tới 4 chợ mà tại đó, người dân cố tình bày bán hàng hoá ra tận lòng, lề đường, gây mất ATGT. Đó là chưa kể đến việc, hàng chục chợ khác tại các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng đang gây ra nhiều khó khăn trong việc lưu thông của người và phương tiện tham gia giao thông.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân xử lý tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm trên hành lang ATGT nhưng sau mỗi đợt xử lý, tình trạng này lại tái diễn
Mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân xử lý tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm trên hành lang ATGT nhưng sau mỗi đợt xử lý, tình trạng này lại tái diễn
Thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chức năng ở đây đã tổ chức nhiều đợt ra quân rầm rộ, nhằm lập lại trật tự tại các địa điểm này, nhưng do thiếu sự quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng nên dẫn tới hiệu quả không cao. Mặc dù các chợ trên địa bàn đã được quy hoạch cụ thể nhưng việc quản lý theo quy hoạch vẫn còn là vấn đề nan giải. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như cơ sở hạ tầng, giao thông không đảm bảo, cùng với đó là thói quen của người tiêu dùng, sự quản lý lỏng lẻo của ban quan lý chợ, chính quyền các cơ sở…
 
Ông Cao Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết: “Xã Diễn Thịnh đã có chợ Si Nam là chợ chính, nhưng trên địa bàn xã vẫn còn tồn tại một chợ cóc tại xóm 1 và xóm 2. Vừa rồi, UBND tỉnh đã cho phép đưa chợ vào quy hoạch nhưng xã chưa làm được, do còn một số vấn đề về diện tích đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân xung quanh vẫn chưa giải quyết xong. Hiện tại, để khắc phục tình trạng trên, xã giao cho Công an xã tiến hành dẹp trật tự, đảm bảo hành lang ATGT. Thời gian tới, xã sẽ nâng cấp chợ Si Nam thành chợ chính của xã, sau đó giải tỏa chợ cóc, cho di dời về chợ chính”.
 
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chuyên viên Phòng Công thương huyện Diễn Châu: Hiện tại, huyện có 34 xã đã có chợ. Mặc dù các chợ đã được quy hoạch nhưng vẫn còn một số hộ kinh doanh tự ý họp chợ. Huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện xóa bỏ các chợ tạm, tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nan giải. Do thói quen và sự tiện lợi trong mua bán đã kéo theo tình trạng xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định, hàng hóa để lộn xộn, gây ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
 
Việc số lượng chợ cóc tồn tại khá nhiều trên địa bàn huyện trong thời gian qua cho thấy, việc quản lý của cấp chính quyền cơ sở còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Các giải pháp được thực hiện phần lớn mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động ý thức tự giác của những người buôn bán mà chưa kiên quyết trong công tác xử lý, cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho chợ cóc, chợ tạm hoạt động.
 
Còn tại TP Vinh, việc xử lý chợ cóc, chợ tạm hiện cũng đang được triển khai thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm vẫn còn trong tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Đình Thông, Đội phó Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cho biết: Vấn đề dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, lập lại trật tự an toàn giao thông đô thị đã được cấp trên chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
 
Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng này rất khó có thể xử lý dứt điểm. Thời gian qua, TP Vinh cũng đã xây dựng nhiều phương án di dời chợ cóc, chợ tạm vào nơi quy hoạch, tránh lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, ngay tại chợ Vinh, mặc dù thành phố đã đồng ý cho một đơn vị tư nhân dành hẳn hơn 5.000 m2 để đầu tư xây dựng chợ đầu mối rau quả, đến nay đã đưa vào sử dụng nhưng tiểu thương vẫn không chịu vào chợ để mua bán tập trung. Do thói quen, sự tiện lợi giữa người mua và người bán nên hiện nay, chợ vẫn họp tràn ra đường xung quanh chợ Vinh. 
 
Thực tế, tình trạng các chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để mua bán đang là vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, ngay cả khi đã có một số chợ mới được đầu tư xây dựng nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn còn loay hoay trong việc thực hiện các biện pháp mạnh và dứt điểm để đẩy đuổi, di dời các chợ cóc vào những nơi đã được quy hoạch.
Nhóm PV

Các tin khác