Pháp luật
Dự thảo Luật trẻ em
08:24, 25/04/2015 (GMT+7)
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), tên mới là Luật trẻ em.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành lần đầu tiên vào năm 1991, được sửa đổi năm 2004, có hiệu lực từ ngày 1/1/2005 (Luật 2004). Nội dung bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Luật xoay quanh các quyền cơ bản của trẻ em; tạo khung khổ pháp lý cho việc nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong bối cảnh đất nước đổi mới, đồng thời thực hiện Công ước về quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam đã cam kết, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới thực hiện tốt Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Ảnh minh họa |
Sau 10 năm thực hiện Luật, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước ta đã có nhiều thay đổi, trong thực tế đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến việc thực hiện Luật và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong khi đó, trình độ nhận thức của nhân dân, của trẻ em về quyền con người, quyền trẻ em đã tăng lên khá cao. Nhà nước, gia đình, xã hội và trẻ em vẫn đang kỳ vọng lớn vào bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Mức độ phổ biến về nhận thức và về việc thực hiện các quyền của trẻ em trong cuộc sống ngày càng tăng. Không những bản thân trẻ em sử dụng quyền của mình mà xã hội sử dụng các quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em ngày càng tích cực.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật 2004, Luật này tồn tại một số bất cập như: Quy định tuổi của trẻ em chưa phù hợp với CRC và chưa hội nhập quốc tế; chưa bảo đảm tính thống nhất trong trong hệ thống pháp luật Việt Nam; nhiều quyền trẻ em được quy định trong CRC chưa được Luật 2004 quy định và cần đưa một số chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; nhiều quy định của Luật còn chung chung, thiếu sự phân công rõ ràng, thiếu sự phối hợp…
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), tên mới là Luật trẻ em gồm 6 chương, 97 điều, so với quy định của Luật hiện hành tăng thêm 1 chương và 37 điều.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ các quyền và bổn phận của trẻ em, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; bảo vệ trẻ em; bảo đảm các quyền tham gia của trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quyền trẻ em…
Đặc biệt, dự thảo đề xuất quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi thay vì quy định dưới 16 tuổi như luật hiện hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: Chinhphu.vn