Pháp luật
Thủ đoạn trộm cắp tiền và thông tin tài khoản từ máy rút tiền tự động ATM
08:11, 25/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Giao dịch tiền mặt qua máy rút tiền tự động ATM đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, do máy ATM thường được đặt ở nơi công cộng, không có người bảo vệ, chế độ bảo mật an ninh còn nhiều kẽ hở nên gần đây, tình trạng trộm cắp tiền nhằm vào máy ATM đang có xu hướng tăng. Bọn tội phạm sử dụng những chiêu thức, thủ đoạn rất tinh vi, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và chủ thẻ.
“Lật mặt” thủ đoạn trộm cắp tại máy rút tiền tự động ATM
Theo nhận định của Bộ Công an, thời gian gần đây đang nổi lên tình trạng phá máy ATM để trộm cắp tiền. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà còn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Gần đây nhất là vụ 2 trụ ATM Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) bị nhóm người nước ngoài dùng máy hàn phá hộc đựng tiền, lấy đi 1,4 tỉ đồng.
Các điểm rút tiền tự động ATM đặt ngoài trụ sở ngân hàng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tội phạm “nhòm ngó” |
Trước đó không lâu, máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) trong khuôn viên Trường Cao đẳng Điện Lực TP Hồ Chí Minh cũng bị kẻ gian cuỗm đi hơn 990 triệu đồng. Trên địa bàn Nghệ An, vào lúc 3 giờ ngày 9/12/2010, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đại đội Cảnh sát cơ động trong lúc tuần tra đã phát hiện vụ phá máy ATM tại số 2, đường Nguyễn Sỹ Sách để lấy trộm tiền.
Để trộm được tiền từ máy ATM, bọn tội phạm thường sử dụng một số phương thức, thủ đoạn phổ biến. Theo tổng kết của Bộ Công an và Công an tỉnh, có ít nhất 5 thủ đoạn trộm tiền từ máy ATM hiện nay mà bọn tội phạm thường sử dụng. Trong đó, đáng chú ý là thủ đoạn cài đặt bảng mạch in làm lây nhiễm phần mềm độc hại vào máy ATM để trộm cắp thông tin tài khoản của chủ thẻ ATM. Với phương thức này, chúng dễ dàng lấy cắp được thông tin tài khoản nhờ thiết bị vật lý được lén cài vào, làm lây nhiễm phần mềm độc hại vào hệ điều hành của máy ATM.
Những dữ liệu thẻ bị lấy cắp không chỉ làm cho máy ATM bị trục trặc mà bọn tội phạm còn sử dụng nó để sản xuất thẻ giả và rút tiền của chủ thẻ. Tương tự, thủ đoạn cài đặt đĩa CD để làm lây nhiễm vi rút vào hệ thống các máy ATM có nhãn hiệu NCR 8577 cũng khá phổ biến hiện nay. Cũng ăn cắp dữ liệu của khách hàng để rút tiền, song chiêu thức này tinh vi hơn ở thủ đoạn dùng bàn phím và khe cắm thẻ giả mạo, được đặt lên bàn phím thật của máy ATM để đánh lừa khách hàng. Khi thực hiện giao dịch, dữ liệu chủ thẻ và mã pin sẽ bị sao lưu, đánh cắp để từ đó, các thông tin này sẽ bị rao bán qua mạng internet hoặc sao chép lên thẻ trắng để thực hiện việc rút tiền bất hợp pháp.
Ngoài ra, thêm một thủ đoạn mới xuất hiện là sử dụng “skimmer card” để lấy cắp thông tin tài khoản thẻ. Các đối tượng trộm cắp gắn các thiết bị này lên tấm bảng quảng cáo trên bàn phím ATM và tấm bảng chỉ dẫn gần khe cắm thẻ ATM. Cùng với đó, chúng gắn thiết bị thấu kính (là một dạng máy ảnh) nhằm ghi lại mật khẩu của người dùng ATM để lấy cắp thông tin tài khoản của người sử dụng thẻ khi giao dịch tại máy ATM.
Nhiều điểm ATM trên địa bàn Nghệ An không đảm bảo quy định
Trên địa bàn Nghệ An, qua kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An, có hàng chục máy giao dịch tự động ATM không đảm bảo quy định của ngành ngân hàng. Mặc dù đã có nhiều văn bản yêu cầu các ngân hàng nhanh chóng khắc phục cũng như có phương án chủ động xử lý kịp thời, song tại các điểm rút tiền ATM vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 224 máy ATM, với 763 máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Có 1.450 đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện trả lương qua tài khoản, trong đó có trên 1.006 đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, chiếm 90%. Tổng số thẻ thanh toán năm 2014 là 755.000 thẻ.
Tầm quan trọng của ATM là vậy, song khi thực hiện Thông tư 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy ATM, qua kiểm tra, vẫn còn nhiều chi nhánh ngân hàng không thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn cho trang thiết bị cũng như quyền lợi của khách hàng. Theo đó, qua kiểm tra, có 8 ngân hàng (phần lớn là các ngân hàng chi nhánh) đã vi phạm quy định, hơn 30 máy ATM có những tồn tại cần khắc phục. Vì vậy, tháng 1/2015, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng vi phạm phải chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong việc quản lý máy ATM.
Được biết, hiện nay, ngoại trừ các điểm rút tiền ATM được đặt trong khuôn viên trụ sở các ngân hàng có bảo vệ, vệ sĩ trông coi, canh giữ thì vẫn còn hàng chục máy ATM được đặt ở các khu vực công cộng mà không có bảo vệ, cộng với đó là chế độ an ninh tiền tệ liên quan lại rất lỏng lẻo khiến máy ATM trở thành “miếng mồi ngon” cho bọn tội phạm.
Thiên Thảo