Pháp luật

Thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em

'Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ'

08:25, 10/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đó là một trong những thông điệp mang đậm tính nhân văn, nhân ái và thiết thực, nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 419/KH-UBATGTQG ngày 31/12/2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) về việc thực hiện quy định của pháp luật, bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em từ năm 2015.
 
Cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày 1/4/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND-NC, cụ thể hóa các nội dung Kế hoạch số 419/KH-UBATGTQG của UBATGTQG về việc thực hiện đội mũ bảo hiểm bắt buộc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương… cùng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, thực hiện chủ trương của UBATGTQG về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Vẫn còn nhiều phụ huynh phớt lờ quy định,  không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông
Vẫn còn nhiều phụ huynh phớt lờ quy định, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông
Thời gian đầu, theo chỉ đạo chung của UBATGTQG: Từ ngày 6 - 9/4/2015, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm của học sinh tại các trường học; tổ chức đánh giá đối với giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh trong việc để xảy ra vi phạm về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Tiếp đó, từ ngày 10/4/2015, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, tổ chức “Ngày cao điểm” tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em, tập trung khu vực xung quanh các trường học. 
 
Ghi nhận của phóng viên tại địa bàn TP Vinh, nơi tập trung đông dân cư và các trường học cho thấy, trong những ngày đầu thực hiện chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, nhiều học sinh vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đến trường. Sáng 7/4/2015, dạo trên các ngả đường của thành phố dẫn đến các trường học, rất nhiều phụ huynh vẫn “vô tư” chở con em đi học bằng xe gắn máy mà không đội mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Có mặt tại cổng các Trường Tiểu học Hưng Bình, Lê Mao…, chúng tôi chứng kiến cảnh rất nhiều phụ huynh chở ghép 2 - 3 cháu đến trường mà không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, có nhiều trường hợp cả phụ huynh lẫn học sinh đều không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy đến trường. 
 
Khi được hỏi, tại sao không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên môtô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh, như: Đi vội quá nên quên đội cho các cháu; nhà ở gần trường nên không cần thiết đội mũ bảo hiểm hoặc chưa biết chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em… 
 
Ông Thái Khắc Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh cho biết: Sau khi nhận được công văn của cấp trên, Phòng đã triển khai đến tất cả các trường học trên địa bàn. Đồng thời, theo kế hoạch, trong thời gian tới, Phòng sẽ cử cán bộ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra tại các cổng trường, kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trung tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng Công an TP Vinh cho biết: “Lâu nay, Công an thành phố cũng đã xử phạt, nhắc nhở nhiều trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy tham gia giao thông. Trong đợt này, triển khai thực hiện chủ trương của UBATGTQG cũng như kế hoạch của UBND tỉnh, Công an tỉnh…, chúng tôi đã cử cán bộ, chiến sỹ đến một số trường học, tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh học sinh trong những ngày đầu, còn thời gian tiếp theo sẽ kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm.
 
Thiết nghĩ, chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe đạp điện là hết sức cấp bách và cần thiết. Qua đó, hình thành tập tính, nét đẹp văn hóa giao thông đối với trẻ em, tạo thói quen sử dụng mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện ngay từ khi còn nhỏ. Mặt khác, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, để chủ trương này triển khai đem lại hiệu quả sâu rộng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của phụ huynh học sinh, nhà trường cũng như các ngành, các cấp... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đức Thắng

Các tin khác