Pháp luật
Trả lại bình yên cho từng tấc đất quê hương
14:54, 07/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Một buổi chiều đông lạnh giá năm 2012, mọi người đang tranh thủ thu hoạch vụ đông thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Vội vàng chạy ra, người dân tá hỏa khi thấy 2 cháu bé đang nằm bất tỉnh. Mọi người nhanh chóng đưa 2 cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc cấp cứu. Tìm hiểu sự việc được biết, hôm đó, 3 em Lê Văn Lộc (SN 1999), Lê Văn Thắng (SN 2000) và Dương Văn Long (SN 1997) đều trú tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc tranh thủ ngày nghỉ rủ nhau đi bắt ốc trên cánh đồng thuộc khối 6, thị trấn Quán Hành, vô tình nhặt được một quả bom bi còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh.
Tuy nhiên, do không biết đó là quả bom mà nghĩ là cục sắt nên trên đường về nhà, em Long đã cầm quả bom ném vào một cống thoát nước khiến quả bom phát nổ. Vụ nổ làm Long và Thắng bị thương nặng. Dù đã được chuyển ra Hà Nội để cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên Thắng đã tử vong.
Vụ tai nạn trên là một trong nhiều ví dụ minh chứng về những tác hại nghiêm trọng do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Theo thống kê, Nghệ An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh, với 100% số xã bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ; 785 khu vực bị ô nhiễm bom, mìn với diện tích ước tính khoảng 279.742 ha, chiếm 18% diện tích toàn tỉnh. Kết quả điều tra và khảo sát kỹ thuật cho thấy, 95% số xã trong tỉnh bị nhiễm bom phá và bom bi, là một trong những loại bom mìn, vật nổ nguy hiểm nhất. Hệ lụy này không chỉ gây cản trở đến quá trình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng cơ sở hạ tầng mà nghiêm trọng hơn, còn gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Lực lượng công binh đang thu gom bom, mìn tại các khu vực bị ô nhiễm |
Trước tình hình đó, căn cứ Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thực hiện dự án rà phá bom, mìn, vật nổ giai đoạn 2010 - 2015 với tổng mức đầu tư hơn 396 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn đầu tư của Trung ương, hỗ trợ của Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong nước. Dự án thực hiện rà phá bom, mìn, vật nổ trên diện tích 30.000 ha thuộc 16 huyện, thành, thị, trong đó ưu tiên các xã vùng gò đồi, miền núi với phương án thực hiện đến độ sâu 3m.
Theo Thiếu tá Phan Hồng Thao, Trưởng phòng Công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tính đến thời điểm đầu năm 2015, việc thực hiện dự án đã đạt hiệu quả cao. Với yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thi công dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ; không để ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường trong khu vực, các lực lượng đã tập trung nhân lực, vật lực, tài lực để thi công nhanh gọn.
Việc dò tìm, xử lý các loại bom, mìn, vật nổ được tiến hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu giải phóng mặt bằng, phục vụ sản xuất, thi công xây dựng khu dân cư và các hạng mục công trình khác. Theo đó, 1.270 kg bom, đạn; 558 quả mìn, lựu đạn, 1.386 kg bom bi, 684 đạn pháo, đầu đạn pháo, đạn cối các loại… đã được thu gom. Đây là nỗ lực phi thường của các lực lượng quân sự và các tổ chức chính trị trong việc rà phá bom, mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Theo khảo sát, Quỳnh Lưu là một trong những địa phương có diện tích cần rà phá và khu vực bị ô nhiễm lớn nhất cả tỉnh với 8.000 ha, ở 66 khu vực. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức khảo sát, rà phá ở những nơi từng là trọng điểm đánh phá ác liệt trong chiến tranh. Trước đây, sau chiến tranh, trên đồng đất của vùng gò đồi và miền núi bị ô nhiễm nặng nề bởi bom, mìn, vật nổ, người dân không dám canh tác khiến đất đai vốn đã xấu ngày càng bạc màu hơn. Đến nay, sau thời gian dự án được triển khai, người dân đã yên tâm hơn khi sinh sống, lao động trên chính mảnh đất quê hương mình, tích cực, chủ động phát triển sản xuất, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, việc triển khai dự án đang gặp một số khó khăn nhất định. Tình trạng người dân thu mua phế liệu đã vô tình đưa các vỏ, đầu đạn từ địa phương khác đến những khu vực đã được rà phá sạch bom, mìn. Mặt khác, công tác quản lý gặp không ít khó khăn, khi một số tổ chức xã hội tiến hành rà phá bom, mìn mà không thông báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có thể thấy, hiệu quả từ dự án trên là không thể phủ nhận, bởi, từ những mảnh đất “chết”, chất chứa những đau thương, mất mát, hiểm nguy, nay đã xanh thẫm màu của cỏ cây, của sự sống và hồi sinh.
Mai Hậu