Pháp luật
Gia tăng tình trạng lao động 'chui' sang nước ngoài làm việc
08:19, 08/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bằng hình thức dụ dỗ, lừa phỉnh, thời gian qua, nhiều đối tượng đã tổ chức đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc một cách bất hợp pháp. Tình trạng này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy về ANTT, tổn thất tới tính mạng và tài sản của người lao động.
Theo thông báo từ các cơ quan chức năng, Trung Quốc là quốc gia mà đến thời điểm hiện nay, nước ta chưa ký một hợp đồng xuất khẩu lao động nào. Có chăng mới chỉ ký kết hợp tác lao động với Ma Cao và Đài Loan. Thế nhưng, thời gian qua, đã có không ít lao động ở các vùng nông thôn các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc… đã đổ xô sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp.
Không có ràng buộc pháp lý giữa 2 nước trong vấn đề hợp tác, trao đổi lao động nên người dân khi sang Trung Quốc làm việc đã gặp phải cảnh “dở khóc, dở cười”. Thậm chí, nhiều người khi sang làm việc đã bị ông chủ lừa gạt, quỵt tiền lương mà không biết khiếu nại lên cơ quan nào. Không ít người dân sau một thời gian làm việc cho các ông chủ Trung Quốc đã tay trắng trở về. Nhiều người vì phải làm việc trong môi trường độc hại, bị “vắt” kiệt sức nên khi về Việt Nam đã lâm vào cảnh tiền mất, tật mang.
Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống địa bàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hành vi xuất cảnh trái phép |
Anh Trần V.K. trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, một trong những người đã phải chấp nhận tay trắng trở về sau gần 6 tháng làm việc tại Trung Quốc tâm sự: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, ở địa phương có hàng chục người sang Trung Quốc làm việc với mức lương khá cao nên đã đăng ký đi. Nghe nói sang Trung Quốc làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp lương từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Vì vậy, giữa năm 2014, tôi đã nộp tiền đặt cọc cho “cò” để làm thủ tục sang Trung Quốc làm việc.
Thế nhưng, làm được gần nửa năm, tôi hỏi tiền lương để về quê ăn Tết cổ truyền thì ông chủ ở đây bỏ chạy. Phải nhờ đến đồng hương người Việt ở bên đó lo cho tiền tàu xe, tôi mới về được đến nhà”. Cũng theo anh K., không chỉ ở xã Ngọc Sơn mà có rất nhiều người Việt Nam ở nhiều vùng quê làm việc tại Trung Quốc. Tất cả họ đều là những lao động “chui”. Nếu gặp các cơ quan chức năng của Trung Quốc đến kiểm tra thì những lao động Việt Nam chỉ còn cách chui rúc, trốn đi nơi khác rồi sau đó mới dám quay lại làm việc. Điều kiện ăn uống kham khổ, chế độ làm việc liên tục từ 10 - 12 tiếng/ngày, nhiều lao động muốn kiến nghị cũng không được.
“Nếu gặp được ông chủ tốt bụng thì anh em công nhân người Việt còn được đối xử tử tế. Còn nếu gặp phải ông chủ ác độc, nhiều anh em bị đánh đập không thương tiếc nếu sơ ý làm hỏng việc của người ta. Ngoài ra, nhiều ông chủ Trung Quốc còn “gài bẫy” người lao động để tìm cách “bùng” lương. Nhiều người còn bị bắt giam, bỏ đói nhiều ngày liền”, anh V., một lao động cùng đi với đợt anh K. ở xã Ngọc Sơn cho biết thêm.
Theo thống kê sơ bộ, tại xã Ngọc Sơn, thời gian vừa qua, đã có hàng chục người đi lao động trái phép sang Trung Quốc. Những lao động này sang nước ngoài làm việc theo sự sắp xếp của “cò”. Nếu một người muốn đi Trung Quốc làm việc trót lọt, chỉ cần chi cho “cò” từ 5 - 6 triệu đồng. Chẳng cần học tiếng, không phải hộ chiếu, thủ tục rườm rà, có một ít tiền là họ có thể đi. Cũng có nhiều trường hợp sau một thời gian dài làm việc đã quay trở lại Việt Nam để dắt mối, tìm lao động cho ông chủ Trung Quốc. Nhiều người không biết chữ cũng sang Trung Quốc làm việc.
Đơn giản ở chỗ, phía ông chủ Trung Quốc chẳng cần trình độ, học vấn, hộ chiếu, giấy khám sức khỏe mà chỉ cần nhìn bề ngoài, họ chấp nhận được là sẽ đồng ý. Chính vì vậy, không chỉ dừng lại ở các huyện đồng bằng mà tại một số địa phương vùng núi cao như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… cũng đã xuất hiện người dân đi lao động “chui” sang Trung Quốc.
Cũng trong thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động lên kế hoạch ngăn chặn các đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu. Tuy nhiên, để giúp người dân nâng cao nhận thức, không vi phạm pháp luật thì cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này, tránh gây ra nhiều hệ quả xấu. Trước mắt, người dân cần nhận thức rõ hành vi của mình, đừng để những hậu quả đau lòng do lao động “chui” nơi xứ người xảy ra mới nhận ra mánh khóe của “cò” thì đã quá muộn.
Ngọc Thái