Pháp luật
Ngổn ngang khu tái định cư mỏ sắt Thạch Khê
10:14, 13/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dự án tái định cư mỏ sắt Thạch Khê được tiến hành từ năm 2011, thế nhưng, đã hơn bốn năm qua, dự án này vẫn đang còn là một bãi đất hoang, lác đác một vài hạng mục nằm ngổn ngang và đã xuống cấp trầm trọng. Tình trạng này gây lãng phí nguồn ngân sách lớn của Nhà nước, trong lúc người dân đang phải gánh chịu nhiều hệ lụy từ dự án đình trệ này.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến địa chỉ Khu tái định cư mỏ sắt Thạch Khê thuộc xóm 6, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đập vào mắt chúng tôi là quang cảnh hoang tàn, đổ nát của một dự án tầm cỡ. Đã hơn bốn năm triển khai xây dựng, thế nhưng, đến nay, khu tái định cư này vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Một vài hạng mục của dự án mới được xây dựng dở dang nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hệ thống đường điện bị đổ, nhà văn hóa biến thành chuồng trâu, bò và chỗ để nông cụ của người dân. Thậm chí, đây còn trở thành bãi tập kết rác thải của người dân trong xã.
Nhà văn hóa trong khu tái định cư bỏ hoang gây lãng phí |
Được biết, Khu tái định cư mỏ sắt Thạch Khê được xây dựng từ năm 2011, để di dời 940 hộ dân từ 6 xã vùng mỏ sắt Thạch Khê về sinh sống vào năm 2014. Thế nhưng, đến nay, người dân thuộc diện di dời từ khu mỏ sắt đang phải sống cảnh cơ cực, không có đất sản xuất, cạn kiệt nguồn nước và tình trạng ô nhiễm từ mỏ. Người dân chỉ biết tận dụng nguồn đất lãng phí của khu tái định cư để trồng hoa màu.
Ông Dương Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Đây là một dự án đầu tư lớn, được khởi công từ lâu, thế nhưng, đến nay vẫn còn ngưng trệ thì rất lãng phí và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Đặc biệt là trong vấn đề xây dựng nhà của các công trình dân sinh trong dân cư, nhất là việc bố trí quy hoạch và chia lại ruộng đất cho bà con”.
Để làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự đình trệ của dự án, chúng tôi đã tìm gặp Ban quản lý Dự án khu tái định cư mỏ sắt Thạch Khê đóng tại TP Hà Tĩnh, sau nhiều lần trực tiếp đặt lịch, lãnh đạo Ban quản lý đều từ chối làm việc. Phải chăng, đây là câu trả lời cho sự tắc trách của Ban quản lý dự án, theo kiểu “sống chết mặc bay”, “tiền thầy bỏ túi”, trong khi một công trình hàng trăm tỉ đồng đang gây lãng phí, còn hàng trăm hộ dân vẫn đang mong mỏi chờ ngày được tái định cư để ổn định cuộc sống.
Hữu Đăng