(Congannghean.vn)-Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư có yếu tố nước ngoài luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau. Thực tế trên địa bàn Nghệ An thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài. Để đảm bảo ANTT và môi trường đầu tư, lực lượng An ninh kinh tế đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an ninh tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn.
Tồn tại liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Nghệ An có 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp tập trung, cùng với đó là hàng chục các cụm công nghiệp nhỏ được hình thành, với hơn 750 dự án được cấp phép và đã đi vào hoạt động. Trong số đó, có 43 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký ước đạt 1,61 tỉ USD. Đến nay, đã có 24 doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, tập trung vào các ngành may mặc, điện tử và khai thác khoáng sản.
Các dự án nước ngoài này đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động trên địa bàn. Thời gian qua, tình hình ANTT tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp cơ bản ổn định, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vấn đề phức tạp liên quan đến các dự án FDI như: Công nhân đình công, lãn công, gây mất ANTT, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu công nghiệp, làm chậm tiến độ dự án cũng như ảnh hưởng tới môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh nhà.
Lực lượng An ninh kinh tế kiểm tra tình hình ANTT tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài |
Cụ thể, trong thời điểm đầu năm 2015 đến nay, tại một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đóng chân trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT như: Vụ đình công của gần 2.000 công nhân Công ty TNHH điện tử BES, là đơn vị 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, xảy ra vào ngày 13/2, để yêu cầu lãnh đạo Công ty tăng thời gian nghỉ Tết và đòi một số quyền lợi liên quan; vụ ngộ độc thức ăn tại Công ty TNHH Namsung Vina (100% vốn Hàn Quốc), làm 178 công nhân phải nhập viện điều trị đã khiến tình hình ANTT tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của các vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, trước hết là do công tác quản lý Nhà nước của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chưa thực sự chặt chẽ, cùng với đó, công tác quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế tại đây cũng có lúc còn thiếu đồng bộ, dẫn đến nảy sinh vụ việc phức tạp. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động còn hạn chế, trong khi các chế độ, quyền lợi liên quan chưa được quan tâm giải quyết kịp thời. Khi xảy ra sự việc, quyền lợi của người lao động lại chưa được tổ chức nào đứng ra bảo vệ, bởi nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa có tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và thậm chí là Công đoàn.
Nhiều giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế
Trước tình hình đó, Phòng An ninh kinh tế đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện các nguyên nhân nảy sinh phức tạp về ANTT để tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng có mặt kịp thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng, lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết các vụ việc, nhằm sớm ổn định tình hình, không để cán bộ nhân viên và nhân dân bức xúc dẫn đến phức tạp kéo dài.
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo ANTT, lực lượng An ninh kinh tế cũng thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận người dân và công nhân. Trong những năm qua, nhiều đề án, quy chế phối hợp đảm bảo ANTT tại các khu công nghiệp đã được triển khai xây dựng và mang lại hiệu quả thiết thực; trong đó đáng chú ý là Đề án số 08 về việc phòng chống chuyển hóa từ đình công, lãn công sang biểu tình, gây rối trật tự trên địa bàn.
Trong thời gian tới, để góp phần làm tốt công tác đảm bảo ANTT trong các khu công nghiệp và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, bên cạnh tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách của doanh nghiệp với người lao động, các ban, ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác nắm tình hình để kịp thời nắm bắt khi sự vụ mới manh nha, từ đó có hướng giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, không để các đối tượng xấu lợi dụng công nhân để tổ chức đình công, lãn công, gây mất ANTT tại các doanh nghiệp. Trong năm 2015, Phòng An ninh kinh tế đã tiến hành xây dựng mô hình điểm về phong trào tại Công ty Ván nhân tạo Tân Việt Trung, từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tiễn cũng như các mô hình hay, thiết thực để nhân rộng ra các doanh nghiệp khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ những việc làm trên, các nhà đầu tư, lao động nước ngoài đã hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Đồng thời, tạo được lòng tin, uy tín và mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa lực lượng Công an với người nước ngoài. Qua đó, cải thiện mối quan hệ lao động giữa người nước ngoài và lao động Việt Nam. Chính những việc làm thiết thực nói trên đã góp phần cải tạo môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh nhà.
.