Pháp luật
Vấn nạn bằng giả bao giờ chấm dứt?
14:17, 21/01/2015 (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận lại xôn xao, bức xúc trước việc sử dụng bằng chuyên môn giả trong ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa và đường dây làm bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở TP. Hồ Chí Minh để bán khắp cả nước. Câu hỏi đặt ra là đến khi nào vấn nạn này chấm dứt?
Theo đó, từ đầu năm 2014, Sở Y tế Thanh Hóa đã bắt đầu tiến hành rà soát bằng cấp của tất cả các cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn. Sau gần 1 năm thanh tra, Sở Y tế Thanh Hóa đã kết luận có 20 trường hợp sử dụng bằng dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm là bằng giả.
Cũng liên quan đến “bằng giả”, mới đây, Phòng CSĐTTP về TTXH (PC45), Công an TP Hồ Chí Minh đã cho biết: Đơn vị vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá một đường dây làm bằng giả. Chỉ từ tháng 2/2014 đến nay, đường dây làm bằng giả này đã cho “xuất kho” gần 600 bằng giả theo đơn đặt hàng của khách. Với các bằng cao đẳng, đại học giả, các đối tượng bán từ 5 - 7 triệu đồng/bằng; còn bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả được bán với giá 7 - 9 triệu đồng/bằng.
Chỉ "điểm danh" 2 vụ việc trên, chúng ta cũng có thể nhận định được sự báo động về vấn nạn sử dụng bằng giả trong xã hội hiện nay. Nghi vấn về bằng “tiến sĩ giá 200 triệu” của vị Phó giáo sư Đại học Y Dược Thái Nguyên nghe chừng vẫn còn quá đắt đỏ, khi mà ở đây những tấm bằng tiến sĩ giả chỉ cần chi phí chưa đến chục triệu đồng.
Bệnh viện Đa khoa Thiệu Hóa (Thanh Hóa) - nơi có nhân viên y tế dùng bằng chuyên môn giả |
“Có cầu ắt có cung”, khi mà hiện nay tình trạng loạn bằng cấp, loạn thật - giả, trắng đen lẫn lộn… và suy cho cùng xuất phát từ “tác dụng phụ” của cơ chế tuyển dụng quá trọng bằng cấp của một số cơ quan nhà nước bấy lâu nay chưa được khắc phục.
Bởi thế mới có cảnh, sinh viên tốt nghiệp ra trường thì cứ thất nghiệp dài dài, mặc dù trong số đó có rất nhiều cử nhân xuất sắc, nhưng tìm được việc làm với họ như "mò kim đáy bể", họ phải đi làm trái ngành, chọn một công việc tạm bợ qua ngày, đi làm công nhân, thậm chí khi nộp hồ sơ không dám tiết lộ mình có trình độ cao khi thi tuyển vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và có thời gian các cử nhân phải học thêm cái bằng trung cấp cho đủ tiêu chuẩn tuyển dụng đi làm công nhân.
Lý do cũng dễ hiểu, các nhà tuyển dụng nước ngoài có sự nhìn nhận rất thực tế; họ chỉ cần người làm được việc, bằng cấp chỉ là thứ yếu, tức họ chú trọng đến kỹ năng thực hành để làm ra sản phẩm nên vô cùng lo sợ khi tuyển dụng phải những “ông nghè” dạng "nửa thầy nửa thợ".
Điều đáng chú ý, ở vụ việc 20 trường hợp nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sử dụng bằng chuyên môn giả, thì có những trường hợp thâm niên hành nghề cả chục năm nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện. Tức hàng chục năm qua những kẻ dùng bằng giả này để cứu người không hề có chút kiến thức gì về y thuật, họ giống như những hung thủ giết người không dao. Bằng giả mà hành nghề cứu người thì hỏi sao mà không nhầm, không chết?
Và cũng thật đáng thương cho hàng trăm nghìn cử nhân ra trường không xin được việc làm trong đó cử nhân ngành y, họ phải uổng công hàng 5 – 7 năm ăn học miệt mài mới có được tấm bằng đại học chính quy, thì nơi đây lại trọng dụng những kẻ dùng bằng cấp giả để cứu người, gây nguy hiểm cho xã hội.
Bằng giả đã nguy hiểm rồi, nhưng hiện nay không hiếm những "bằng thật học giả" đang tạo nhiều nguy cơ mới cho xã hội. Các cơ quan chức năng cũng cần chú ý xem xét mảng tối này, bởi việc “chắp vá” trình độ là một hiện tượng không hiếm gặp hiện nay. Những người nghiêm túc dày công học hành để nâng cao trình độ nghiệp vụ không nói, nhưng có trường hợp đi học nhưng không phải học thật, mà thuê người học hộ, rồi đóng đủ các loại tiêu cực phí để đạt được cái mục đích cuối cùng là tấm bằng thật "hổng kiến thức", để tiến thân, tăng lương, thăng chức…
Về nguyên nhân của các hiện tượng trên có nhiều yếu tố, nhưng bộc lộ rõ nhất là do tình trạng những quan chức sau khi "mua" được ghế sẽ tùy tiện nhận người, đưa người thân tín vào những vị trí quan trọng có thể thao túng để sớm "thu hồi vốn" rồi bày kế "kiếm lời".
Vẫn biết tiêu chí, tiêu chuẩn là do con người đặt ra, nếu liêm chính thì người ta vận dụng đúng, nếu bất chính thì người ta bẻ cong đi. Cong như trải chiếu cho con cháu vào làm việc kiểu Cục Quản lý thị trường chẳng hạn. Còn những người tài, năng lực thực sự không thể nào tự thi mà đậu, thậm chí tiến sĩ từ Pháp về cũng không thể thi đỗ nổi vào công chức của một trường PTTH.
Thiết nghĩ, từ các sự việc trên, các cơ quan chức năng cần có những chế tài đủ mạnh, thậm chí xử lý hình sự với cả 2 đối tượng sử dụng bằng giả và sản xuất bằng giả, đồng thời cần làm rõ trách nhiệm những người tuyển dụng để “lọt lưới” những tấm bằng giả mạo này.
Còn cơ chế tuyển dụng nhân tài theo tiêu chí "người thật việc thật", quản lý chặt chẽ hơn trong công tác thi tuyển công chức, để từng bước bài trừ vấn nạn giả đang có xu hướng hoành hành. Cạnh đó, các cơ quan đơn vị cần tiến hành thường xuyên việc rà soát bằng cấp của tất cả các cán bộ, nhân viên đơn vị, để kịp thời thanh lọc những "con sâu" là các cán bộ công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng thực chất chuyên môn không có, bằng cấp thì giả tạo.
Với ngành y, cần thiết có những chế tài quyết liệt hơn với vấn nạn bằng giả để diệt trừ mối nguy hại của xã hội, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân.
Nguồn: dangcongsan.vn