Pháp luật
Cảnh giác kịch bản bán điện thoại của ông khách Tây
15:50, 19/01/2015 (GMT+7)
Nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất nên quán cơm T.H (đường Hồng Hà, P2Q.Tân Bình) lúc nào cũng tấp nập khách. Trưa 12-1-2015, một thanh niên ngoại quốc bước vào quán nhưng không gọi đồ ăn, thức uống mà tiến tới gặp nhân viên phục vụ với gương mặt đau khổ, sổ một tràng tiếng Anh. Không hiểu gì nên cô phục vụ gọi chủ quán là chị Thanh Lê ra tiếp. Vốn tiếng Anh có hạn, nhưng thông qua động tác và đoán nghĩa ngôn từ, chị Lê biết anh ta là khách du lịch từ Singapore qua Việt Nam khoảng một tuần nay. Sáng nay, trong lúc đi tham quan TPHCM, vị khách Tây không may bị trộm cắp lấy mất hết tiền bạc, giấy tờ.
Nghe chủ quán giải thích lại tình huống xui xẻo của vị khách Tây, nhân viên trong quán ai nấy đều thương cảm. Chị Lê gợi ý đưa anh ta đến cơ quan công an trình báo thì người này xua tay: “Phải làm tường trình phiền hà lắm. Tôi đã báo tin và đang chờ vợ bay từ Sigapore qua giải quyết. Trước mắt, tôi đang rất cần tiền để mua đồ ăn và trả tiền thuê phòng khách sạn, nên muốn bán chiếc máy này”.
Dứt lời, anh ta móc từ trong túi quần ra chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) hiệu iPhone 5S, đưa cho chị Lê và mọi người xem. Nhìn nét mặt âu sầu của vị khách Tây, chị Lê nói: “Máy này bán giá bao nhiêu? Để tôi chỉ chỗ kinh doanh điện thoại cho anh ra đó bán nha”. Suy ngẫm giây lát, khách trả lời: “6,5 triệu đồng. Chị mua mà dùng, máy chính hãng đó. Tôi ra tiệm bán, không nói được tiếng Việt người ta ép giá”.
Vị khách Tây và chiếc iPhone đểu giá 6,5 triệu đồng |
Để chắc ăn, chị Lê đưa điện thoại trên đến tiệm mua bán điện thoại kiểm tra. Nhân viên cho biết đó là máy “xịn”, nếu chị Lê muốn bán họ sẽ thu vào với giá 7 triệu đồng (bao gồm cả tai nghe và dây sạc pin). Lâu nay, cậu con trai đang đòi mẹ tặng cho chiếc điện thoại, sẵn dịp chị Lê tính sẽ tậu chiếc máy này.
Đang nhấp nhổm, thấy chị Lê về, vị khách Tây mừng quýnh bước tới hỏi ngay: “Máy của tôi đâu? Họ nói thế nào?”. Chị Lê trả lại máy cho anh ta và nói, nếu đồng ý bán 300 USD thì chị sẽ giao tiền. Vị khách cầm máy bỏ vào túi quần vẻ chần chừ như không muốn bán, nhưng sau đó lại rút ra đặt lên bàn gật đầu “Ok”.
Nhận tiền xong, anh ta giao máy, dây sạc pin rồi bước nhanh ra khỏi tiệm. Tiệm ăn bắt đầu đông khách nên chị Lê cất máy vào tủ, tranh thủ bán. Hơn hai giờ sau, chị lấy chiếc điện thoại mới mua ra kiểm tra, thấy màn hình cảm ứng thiếu độ nhậy và chuẩn xác. Linh cảm có chuyện không bình thường, chị đưa máy đến tiệm điện thoại lúc nãy nhờ kiểm tra lại. Vừa cầm chiếc máy lên, nhân viên nói ngay: “Máy Trung Quốc”. Chị Lê hỏi: “Sao hồi nãy anh bảo máy xịn?”. Nam nhân viên trả lời: “Hồi nãy máy khác chị ơi”.
Biết mình đã mắc lừa vị khách Tây, chị Lê đành mang chiếc máy dỏm về nhà làm đồ chơi cho con gái nhỏ. Biết chuyện, nhân viên trong tiệm cơm ai cũng bức xúc trước màn lừa gạt tinh vi của vị khách Tây. Hệ thống lại sự kiện, mọi người đoán anh ta đã đánh tráo máy trước khi giao, nhận tiền của chị Lê rồi chuồn êm. Chị Lê quyết định kể câu chuyện trên để mọi người nâng cao cảnh giác.
Nguồn: Báo CA TPHCM