Pháp luật

Cuối năm loạn tin nhắn rác: Thiếu chế tài xử lý hay 'nhờn thuốc'?

14:22, 19/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã liên tục ban hành nhiều quy định, chế tài để xử lý vấn nạn tin nhắn rác, tuy nhiên, trên thực tế, tin nhắn rác không những chẳng giảm mà còn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là vào những tháng áp Tết Nguyên đán 2015.
 
Trước những hệ lụy mà tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây ra, dư luận xã hội cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các nhà mạng có dấu hiệu “tiếp tay” cho tin nhắn rác.
 
Ngày 17/1, trao đổi với PV Báo CAND, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết, thống kê mới nhất của Bkav cho thấy, trong năm 2014, có tới 90% người dùng di động thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Đặc biệt, trong những tháng cận kề Tết Nguyên đán năm 2015, trung bình mỗi ngày có gần 14 triệu tin nhắn rác gửi đi. Con số này cũng tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Tính toán sơ bộ của Bkav cho thấy, nếu cước phí trung bình một tin nhắn là 300 đồng thì các nhà mạng sẽ thu về khoảng 4,2 tỷ đồng mỗi ngày, tức khoảng 126 tỷ đồng mỗi tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác. Kết quả nghiên cứu do Bkav công bố cũng tương đối trùng khít với những phản ánh, bức xúc của đông đảo khách hàng về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong thời gian qua.
 
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, trong những ngày áp Tết Nguyên đán 2015, vấn nạn tin nhắn rác đủ loại quảng cáo cho các dịch vụ từ kinh doanh bất động sản, SIM số đẹp, quà tặng âm nhạc, dịch vụ truyền hình cáp, cho vay vốn ngân hàng, thời trang,… vẫn liên tục “tấn công” người dùng, bất kể ngày lẫn đêm. Trong đó, điều khá bất thường là tỷ lệ tin nhắn rác quảng cáo mở bán các dự án bất động sản, đặc biệt là phân khúc chung cư và tin nhắn quảng cáo vay vốn ngân hàng đang có xu hướng tăng đột biến.
 
Theo phản ánh của nhiều thuê bao di động, cứ trong 5 tin nhắn rác được gửi đến trong ngày thì có tới 3 tin nhắn quảng cáo bất động sản. Đến mức, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng đã thừa nhận rằng, số lượng tin nhắn rác liên quan đến bất động sản đang chiếm tỷ lệ áp đảo gần đây. Còn trên một số diễn đàn mạng, một số thành viên cho rằng, trung bình mỗi ngày cả nước mất hàng ngàn giờ lao động cho việc xóa tin nhắn rác.
Tin nhắn quảng cáo bất động sản liên tục “giội bom” người dùng trong năm 2014.
Tin nhắn quảng cáo bất động sản liên tục “giội bom” người dùng trong năm 2014.
Bên cạnh tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cũng tiếp tục bùng phát với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau gây bức xúc dư luận như nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để được tặng 200.000 đồng trong tài khoản; nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone;  nhắn tin để biết kết quả xổ số đặc biệt (chơi lô, đề);  nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Nokia E72. Bạn có cơ hội trúng xe máy Nouvo nếu giá bạn đoán là thấp nhất và duy nhất…
 
Trao đổi với các phóng viên báo chí bên lề Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Tập đoàn VNPT diễn ra tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã khẳng định: Nếu có dấu hiệu nào cho thấy có nhà mạng thực sự tiếp tay cho DN nội dung (CSP) phát tán tin nhắn rác thì Bộ sẽ xem xét để xử lý theo đúng quy định.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong thực tế, đúng là có chuyện nhà mạng không quản lý chặt chẽ thuê bao cũng như CSP do mình cấp đầu số bởi tin nhắn rác gửi đi càng nhiều thì các CSP này và nhà mạng càng được lợi. Hơn nữa, cơ chế cấp đầu số thời gian qua còn tồn tại một lỗ hổng lớn là các nhà mạng được cấp đầu số cho CSP nhưng lại không có quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của CSP đó.
 
"Nhà mạng không có quyền ngăn chặn hoạt động của CSP vì CSP phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng nếu phát hiện thấy người thuê có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà lại không hành động gì thì vô hình trung đã tiếp tay cho họ. Do đó, trách nhiệm của nhà mạng là cần ngăn chặn tình trạng sai phạm của CSP trước khi cơ quan điều tra phát hiện ra” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
 
Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, do tin nhắn rác đang gây bức xúc lớn trong xã hội nên Bộ TT&TT sẽ tăng cường quản lý vấn đề này trong thời gian tới. Trước đây, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tin nhắn rác. Điểm mấu chốt trong các văn bản này là đều nêu ra các chế tài, yêu cầu người dùng nếu muốn sử dụng dịch vụ di động sẽ phải kê khai danh tính. Đây là một hướng để hạn chế tin nhắn rác bởi tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ SIM rác, từ các thuê bao ảo. Tuy nhiên, do các văn bản ban hành riêng rẽ và cách xa nhau nên kết quả đạt được chưa nhiều.
 
Trước yêu cầu của xã hội, cuối tháng 12 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành tiếp Chỉ thị số 82 về chống tin nhắn rác. Đây được đánh giá là một đợt tấn công "tổng lực" của cơ quan quản lý nhằm vào vấn nạn này, khi nêu rõ vai trò của tất cả các bên liên quan, từ Cục Viễn thông, Cục An toàn Thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho đến DN viễn thông, DN cung cấp nội dung....
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng lưu ý, bản thân người dùng di động khi đi đăng ký dịch vụ cũng nên làm đúng quy định là kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, tránh tình trạng để cho đại lý SIM khai hộ, dùng một CMND để đăng ký cho hàng loạt SIM. 
 
Đồng quan điểm này, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT cho rằng: Người dùng cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng để góp phần hạn chế vấn nạn này. Theo khuyến cáo của ông Khánh, khi nhận được tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, người dùng nên gửi chuyển tiếp ngay tới tổng đài số 456 (miễn phí) của VNCERT hoặc email: canhbaothurac@vncert.vn. Thông qua tổng đài 456, Thanh tra Bộ TT&TT, VNCERT sẽ có căn cứ để xử phạt và cắt đầu số đối với các tổng đài gửi tin nhắn không đúng quy định.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác