Pháp luật
Để rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn
08:17, 17/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, trong năm 2014, ngành kiểm lâm đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.064 vụ vi phạm lâm luật; số lâm sản tịch thu là 2.390,34 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 15,6 tỉ đồng.
Chi cục Kiểm lâm Nghệ An hiện có 24 hạt, đội, trạm trực thuộc, đóng quân trên 21 huyện, thành, thị, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Mỗi đơn vị có quân số từ 15 - 20 người với chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ rừng tận gốc. Các hạt kiểm lâm các huyện hay hạt kiểm lâm của Vườn quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt đều thành lập trạm nằm trong các cửa rừng.
Ngoài ra, có 3 đội cơ động chốt chặn tại QL7A và QL48, nhưng tình trạng rừng bị chặt phá vẫn tái diễn. Riêng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát và 2 Hạt Kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 108 vụ, trong đó, có 1 vụ hình sự (tăng 12 vụ so với năm 2013). Tịch thu gần 460 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,6 tỉ đồng.
Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phối hợp bắt giữ một xe ôtô chở gỗ lậu |
Cũng theo báo cáo của ngành, nhìn chung, tổng số vụ việc vi phạm các quy định về lâm sản đã giảm đáng kể so với năm 2013. Tuy nhiên, trên địa bàn một số huyện, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản còn diễn ra khá phức tạp, khó xử lý.
Có người đặt câu hỏi: Với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng đông rải đều tại các rừng, nhưng tại sao số vụ vi phạm lâm luật vẫn không hề nhỏ, thậm chí bắt giữ gần 2.400 m3 gỗ bị chặt phá. Phải chăng, đây mới chỉ là phần nổi và chắc chắn số gỗ bị chặt phá sẽ lớn hơn nhiều lần?!
Để rừng Nghệ An được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, nên chăng tỉnh tổ chức giao rừng cho các xã quản lý, bảo vệ và có cam kết rõ ràng. Sau đó, các xã tổ chức giao rừng cho từng hộ dân, trước lúc nhận rừng, giữa hộ dân và chính quyền xã phải bàn giao rừng cụ thể cả về diện tích và trữ lượng lâm sản hiện có, hàng năm có kiểm tra, rà soát lại rừng. Làm được như vậy, vừa nâng cao chức năng của chính quyền, vừa tạo việc làm cho người dân sống gần rừng. Khi chính quyền vào cuộc và nhân dân là chủ thể của rừng, chắc chắn rừng sẽ được quản lý, bảo vệ tốt hơn.
Đảng và Nhà nước đang đầu tư rất lớn vào miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhằm mục đích phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Chính quyền và nhân dân các xã miền núi phải có nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Khi Đảng có chủ trương, Nhà nước vào cuộc, nhân dân có ý thức và trách nhiệm, chắc chắn rừng sẽ xanh tốt.
Chính Trực