Pháp luật
Có phải xưởng gỗ gây chết người?
09:01, 14/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vừa qua, một số hộ dân ở thôn Thọ Thắng, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu đã có đơn thư phản ánh xưởng chế biến gỗ dân dụng của ông Trần Quang Cừ gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí, khiến một số người dân sống xung quanh mắc bệnh lạ và tử vong. Vậy, thực hư chuyện xưởng gỗ gây chết người tại xã Quỳnh Thọ ra sao, P.V đã tìm hiểu sự việc.
Thực hiện phong trào xây dựng làng nghề và làng có nghề, những năm qua, xã Quỳnh Thọ cố gắng xây dựng thôn Thọ Thắng trở thành làng nghề sản xuất mộc dân dụng và mỹ nghệ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con. Nắm bắt được chủ trương đó, vào năm 2009, anh Trần Quang Cừ đã xây dựng 1 xưởng chế biến gỗ dân dụng, chuyên sản xuất bàn thờ ông thần tài, thần địa. Quy mô nhà xưởng của gia đình rộng khoảng 900 m2, tạo việc làm thường xuyên cho 30 công nhân với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Công suất chế biến hàng năm đạt khoảng 50 - 60 m3 gỗ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn phản ánh, xưởng gỗ của anh Cừ hoạt động hết công suất, các loại máy kêu rú, gây tiếng ồn nghiêm trọng, ảnh hưởng các hộ dân ở xung quanh. Đặc biệt là ảnh hưởng đến việc học tập và nghỉ ngơi của các cháu đang học tại Trường Mầm non Quỳnh Thọ nằm ngay cạnh xưởng gỗ. Cá biệt, có trường hợp chị Trần Thị Hằng còn gửi đơn lên các cấp, tố cáo chồng chị chết là do hít phải khí độc của xưởng gỗ. Tuy nhiên, khi xác nhận thông tin tại Công an xã Quỳnh Thọ, sự việc chưa tới mức nghiêm trọng như vậy.
Xưởng gỗ được che chắn giảm tiếng ồn và ống khói lò sấy gỗ được nâng lên cao 13 m |
Ông Hồ Văn Quang, Trưởng Công an xã Quỳnh Thọ cho biết: “Có một số ý kiến phản ánh của cử tri về xưởng chế biến gỗ của anh Cừ gây tiếng ồn, thậm chí làm chết người. Thực tế, sau khi có phản ánh, UBND xã Quỳnh Thọ đã thành lập Đoàn kiểm tra và làm việc với anh Cừ. Qua kiểm tra một số điểm tồn tại, UBND xã đã giao anh Cừ phải tìm cách khắc phục như nâng tường rào lên cao, bắn lưới tôn để che chắn bụi và nâng ống khói của lò sấy gỗ lên cao 13 m. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thực tế và qua thông tin phản ánh của nhân dân thì thấy, việc sản xuất tại xưởng gỗ anh Cừ vẫn ít nhiều gây tiếng ồn và khí bụi. Nhưng mức độ để dẫn đến chết người thì chưa có cơ sở pháp lý để xác định”.
Theo quan sát của P.V tại hiện trường, xưởng mộc nhà anh Cừ chỉ sản xuất gỗ thô sau đó chuyển sản phẩm ra cơ sở 1 tại TP Hà Nội để trang trí. Cơ sở của anh không phun hóa chất hay dầu vécni nên chuyện ông Trần Văn Vịnh (chồng chị Trần Thị Hằng), hàng xóm anh Cừ chết do hít phải khí độc từ xưởng gỗ là không có cơ sở. Còn về việc ô nhiễm khí bụi và tiếng ồn thì ngay khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, anh Cừ đã cho lắp đặt 2 hệ thống hầm hút bụi, mạt gỗ.
Hệ thống hầm hút bụi này có thể hút được khoảng 80% bụi gỗ nên đã phần nào khắc phục được tình trạng không khí bị nhiễm bụi. Bên cạnh đó, anh Cừ cũng đã đóng mái tôn sắt che kín tường bao để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn của các loại máy cưa. Cùng với đó, xưởng gỗ cũng quy định lại giờ làm việc đối với công nhân, buổi sáng từ 7 - 11 giờ và chiều từ 14 - 17 giờ để tránh gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến giờ ăn nghỉ của các cháu học tại Trường Mầm non Quỳnh Thọ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Cừ, chủ xưởng gỗ Thơ Cừ, thôn Thọ Thắng, xã Quỳnh Thọ cho biết: “Ở đây là cơ sở 2 chứ không phải cơ sở 1 nên không có việc sản xuất phun sơn. Bởi vậy, chuyện gây khí độc là không có. Còn ai sống cũng phải làm ăn, người làm việc này, người làm việc khác. Cơ sở của chúng tôi là một cơ sở sản xuất đơn thuần như bao cơ sở khác của làng nghề. Bây giờ tôi nói làm gỗ mà không ảnh hưởng thì không phải. Nhưng trong quy trình sản xuất, làm sai ở đâu ta khắc phục ở đó. Còn việc ô nhiễm tiếng ồn, khí bụi cơ sở cũng đã khắc phục trong khả năng có thể”.
Như vậy, chuyện xưởng gỗ gây ô nhiễm khí độc làm chết người ở xã Quỳnh Thọ là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, đã hoạt động chế biến gỗ thì việc ô nhiễm tiếng ồn và khí bụi là không thể tránh khỏi. Bản thân anh Cừ và hơn 10 cơ sở sản xuất đồ mộc tại làng nghề Thọ Thắng cũng biết điều đó. Thế nhưng, vì “miếng cơm manh áo”, họ vẫn phải sản xuất. Thiết nghĩ, để giải quyết “bài toán” này, các cấp, các ngành ở huyện Quỳnh Lưu cần có phương án cụ thể, quy hoạch hệ thống làng nghề xa khu dân cư để vừa phát triển kinh tế địa phương, đồng thời cũng bảo vệ cuộc sống cho nhân dân.
Như Thủy