Pháp luật
Luật Đất đai sửa đổi
Đảm bảo lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân
10:00, 13/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá. Nó không phải là hàng hóa thông thường mà là một tư liệu sản xuất đặc biệt trong sản xuất và đời sống. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Trên cơ sở Hiến pháp mới, ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai. Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Điều 4, Luật Đất đai quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Sở hữu toàn dân về đất đai phải được hiểu là đất đai không thuộc sở hữu của riêng ai, toàn thể nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý.
Bởi vì, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và có hạn; là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, nguồn sống của nhân dân, tài sản của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác. Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng đất mới đảm bảo hiệu quả cao, nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh đất nước.
Nhân dân xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới |
Từ những vấn đề trên cho thấy, việc quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật trong Luật Đất đai năm 2013 trên cơ sở Hiến pháp là cần thiết và đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta hiện nay, đảm bảo sự thống nhất lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia.
Bởi đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá. Nó không phải là hàng hóa thông thường mà là một tư liệu sản xuất đặc biệt trong sản xuất và đời sống. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nươc đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Luật Đất đai mới có thực sự bền vững hay không phải xuất phát từ sự bền vững của chính những người sử dụng đất. Thế nhưng, cũng lấy làm buồn bởi trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã xảy ra một số vụ vi phạm liên quan đến Luật Đất đai, trong đó có cả “quan huyện”, cán bộ xã, phường và một số người dân do hạn chế hiểu biết về pháp luật, hoặc bị các đối tượng bất mãn chế độ, quá kích dẫn đến vi phạm và có những động thái thiếu tôn trọng pháp luật.
Thậm chí, có một số ít cán bộ huyện, xã, phường, do yếu kém trong quản lý đất đai của Nhà nước đã nảy sinh những tiêu cực trong quản lý, dẫn đến một số trường hợp cán bộ, người dân vi phạm nghiêm trọng, buộc phải xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình là một số cán bộ xã, phường vi phạm Luật Đất đai dẫn đến tù tội, xảy ra tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương và phường Quán Bàu, TP Vinh, hay một số địa phương khác vi phạm Luật Đất đai đã bị xử lý hành chính.
Hữu Trọng