(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, trên khắp các trang mạng xã hội liên tục xuất hiện những bài viết, hình ảnh... “đả kích” một số lãnh đạo, quan chức nhằm bôi xấu hình ảnh của họ, gây chia rẽ nội bộ. Đặc biệt, như một thông lệ, gần đến Đại hội Đảng các cấp, những phần tử xấu lại lợi dụng thời điểm này để thực hiện kế hoạch, mưu đồ, nhằm “xáo trộn thông tin, xuyên tạc sự thật” để bôi xấu, gây mất đoàn kết trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta.
Phải công nhận rằng, thời đại công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn cầu lên tầm cao mới. Trong đó, Internet đã giúp con người gần nhau hơn trong công việc cũng như giao lưu văn hóa giữa các cá thể, vùng miền, thậm chí vượt qua biên giới lãnh thổ. Tuy nhiên, sự tương tác giữa các trang mạng cá nhân hiện nay đang bị nhiều người lợi dụng để xuyên tạc sự thật, bôi xấu, thậm chí xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của một số cá nhân, tổ chức. Vì vậy, mặt trái của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải có sự định hướng, ngăn chặn kịp thời, tránh gây hiểu nhầm cho dư luận.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, có 62 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, 390 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản và gần 400 trang web, blog, mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài “thường trực”, cung cấp những thông tin bất lợi, “nói xấu” Việt Nam. Nếu trước kia, khi Internet chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, các chiêu trò in ấn, phát tán ấn phẩm văn hóa “độc hại” được thực hiện bằng đường biển, đường bộ thì hiện nay, những chiêu trò này được bọn phản động đưa lên mạng một cách nhanh chóng.
Hầu hết các báo, đài, trang mạng trên đều được các cá nhân, tổ chức phản động “đầu tư”, “nuôi dưỡng” để tranh thủ cơ hội “tung” ra những thông tin sai sự thật, mang tính tiêu cực về Việt Nam, gây hoang mang cho nhân dân. Nghiêm trọng hơn, chúng còn sử dụng trang thiết bị với công nghệ hiện đại, tinh vi để tạo ra những “ma trận thông tin”, gây nhũng nhiễu thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước ta.
Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng Intenet và các trang mạng xã hội, nhất là thời điểm chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng các cấp - Tranh minh họa |
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức phản động trong nước cũng trà trộn dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để xâm nhập, bới móc thông tin mang tính một chiều và đưa lên mạng để tuyên truyền. Tồn dư của cái gọi là “nhà dân chủ” đang tồn tại hiện nay bị cơ quan chức năng theo dõi, ngăn chặn, tiến tới loại bỏ triệt để. Minh chứng là thời gian qua, ngành Công an cũng đã tiến hành bắt giữ nhiều cá nhân là chủ các trang mạng, blog có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt.
Bằng chứng nữa là, vào các dịp lễ Tết trọng đại của dân tộc như thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5…, bọn chúng lại diễn điệp khúc “nhai lại” những luận điệu xuyên tạc một cách trắng trợn. Vào những ngày lễ như trên, nhiều “nhà dân chủ” rởm lại lợi dụng Internet để cố tình “đầu độc” một bộ phận nhân dân bằng các thông tin “từ trên trời rơi xuống” nhằm làm nhiễu những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta. Chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo trước những thông tin như vậy.
Thực tế, trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân cũng xuất hiện nhiều nội dung “bịp bợm”, nói xấu các vị lãnh đạo. Chúng thường lấy các thông tin cóp nhặt, những hình ảnh không có thật để chĩa mũi nhọn vào các vị lãnh đạo, một tổ chức nào đó hòng làm sai lệch nhận thức của người dân, gây chia rẽ nội bộ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với cán bộ. Thậm chí, chúng còn lấy hình ảnh một căn biệt thự cao cấp ở nước ngoài rồi chú thích cho rằng đó là của cán bộ A, lãnh đạo B… Những “nhà dân chủ” phản động còn cố tình bịa đặt, chắp nối những thông tin khác nhau rồi “bôi đen” thành một bài viết “hùng hổ” để tung lên các trang mạng xã hội, làm cho “thật giả lẫn lộn”. Tuy nhiên, sự thật đó đã bị bóp méo hoàn toàn.
Nguy hiểm hơn, lợi dụng thời điểm sắp tới diễn ra Đại hội Đảng các cấp, bọn chúng đã “thiết lập” nhiều kênh thông tin khác nhau nhằm mục đích làm lung lay niềm tin của nhân dân vào Đảng. Cũng lợi dụng tình hình “nhạy cảm” hiện nay, những phần tử bất mãn với chế độ, thù vặt cá nhân… đã dựng lên nhiều chuyện có nội dung xúc phạm danh dự của người khác. Nếu có cái nhìn phiến diện và không kiên định, nhiều người rất dễ bị rơi vào “bẫy thông tin” của bọn chúng.
Làm thế nào để ngăn chặn những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật như hiện nay? Thời gian qua, các cấp, ngành đã kịp thời chấn chỉnh, định hướng dư luận về những thông tin trái chiều, thiếu chuẩn mực. Trong Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương vào ngày 29/12/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phát biểu, chỉ đạo yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phải chủ động cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời và cảnh giác trước những thông tin xấu.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: “Thông tin trên mạng rất phong phú, đa dạng, có cả tốt, cả xấu, nên phải hết sức chú ý tránh những luận điệu sai trái, thù địch, thông tin độc hại, đả kích, chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc nội bộ”. Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian sắp tới, ngành Công an sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý việc cung cấp các dịch vụ Internet, tập trung ngăn chặn tình trạng phát tán tài liệu xuyên tạc về các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ.
.